19-01-2024 14:00

Vùng đất ‘chết chóc’ Doi Angkhang - Nơi anh đào thắng anh túc

Vùng đất ‘chết chóc’ Doi Angkhang - Nơi anh đào thắng anh túc

Từ vùng đất ‘chết chóc’, nhiều người sống bằng nghề trồng hoa anh túc, nay Doi Angkhang đã trở thành vùng đất nông nghiệp trù phú của Thái Lan.

Du lịch Chiang Mai tham quan vùng đất ‘chết chóc’ Doi Angkhang – Nơi anh đào thắng anh túc

Anh túc và anh đào, câu chuyện của Doi Angkhang quá khứ - hiện tại - Ảnh: T.M.H.

Anh túc và anh đào, câu chuyện của Doi Angkhang quá khứ – hiện tại – Ảnh: T.M.H.

Ngủ giữa mùa đông

Asset, người bạn Thái Lan, rủ mọi người đi huyện Fang, tỉnh Chiang Mai vì cậu ấy thấy những cây hoa anh đào nở bên các sườn dốc trong một clip ngắn về thắng cảnh Doi Angkhang.

Từ tỉnh Chiang Rai, chiếc xe bán tải chở chúng tôi chạy vòng vèo trên cung đường đèo quanh co vùng núi đông bắc Thái Lan. Thị tứ và làng núi đan xen, một vùng trồng quýt đang mùa thu hoạch, khiến đường sá cũng chuyển sang màu cam. Thấp thoáng vài cây thanh long rất mảnh.

Một xóm nhỏ người Hoa với những ngôi nhà dán đầy chữ “Phúc” màu đỏ. Những thềm đá sơn màu, những chùm lồng đèn Thái Lan treo lủng lẳng, dư âm của mùa Loi Krathong (lễ hội tạ ơn dòng sông của người Thái, thường vào rằm tháng 12 lịch Thái, người dân thường thả bè hoa, nến nhỏ, làm các lồng đèn. Ánh sáng là hình ảnh đặc trưng của lễ hội này). Hoa chùm ớt đang nở rực rỡ màu cam đỏ, phủ các cánh cổng và hàng rào.

Chúng tôi bật cười khi thấy những cây anh đào trên đường đã tàn hoa, trơ trọi vài cành khô, không hề giống với những gì Asset đã xem được trên mạng về nơi này. Nhưng bù lại, trạng nguyên đang mùa đỏ lá giữa những hàng cây rừng buốt lạnh.

Chúng tôi đi tiếp đến nơi dựng lều nghỉ đêm, chuẩn bị chuyến đi sáng mai. Doi Angkhang là ngọn đồi rộng với rất nhiều túp lều chìm trong làn sương dày.

Sự lạnh lẽo, hoang vu của nơi này cùng những người lính nghĩa vụ quân sự đang canh gác gợi lên hình ảnh của một trại tị nạn. Asset giục chúng tôi dựng lều để sáng sớm thức dậy đi đến Kiew Lom – nơi sẽ đón Mặt trời mọc rất đẹp ở Thái Lan.

Đồi cỏ thênh thang - Ảnh: T.M.H.

Đồi cỏ thênh thang – Ảnh: T.M.H.

Có vẻ người Thái rất chịu khó chuẩn bị cho một cuộc đi chơi bởi từng chiếc xe bán tải chất đầy chăn mền, xoong bát, rau thịt… xếp dài hai bên đường, chẳng khác gì một cuộc di cư. Từng dòng người ráng sức khệ nệ bưng đồ đạc đi trong mùa đông lạnh, ướt nhẹp để… vui chơi.

Trời mưa, lối đi giữa các lều đầy bùn, nhiệt độ lại quá lạnh nhưng hầu như họ rất vui vẻ, quây quần thưởng thức mùa đông bên những nồi lẩu và những chảo xúc xích chiên.

Không còn miếng đất nào trống để thuê dựng lều, chúng tôi phải mướn một lều dựng sẵn giá 600 baht, bằng giá một phòng khách sạn tiện nghi trong khu phố cổ Chiang Mai. Và rồi cũng thiếp đi giữa mùa đông theo phong cách lang thang, lưng lạnh buốt…

Thức dậy trong màn sương càng lúc càng dày đặc, chúng tôi men theo đường núi Highway 107 đi ngắm những bức tường cổ ở thành phố trong chuyến du lịch Chiang Mai. Công viên hoàng gia Doi Angkhang cùng những hàng hoa anh đào ngay trước cổng hiện ra đúng lúc.

Hôm ấy, vì tập trung đón người nhà hoàng gia Thái Lan đến vãn cảnh nên những người bảo vệ xin lỗi vì họ sẽ phục vụ không chu đáo và xin du khách cố giữ sự im lặng.

Những hàng anh đào san sát hai bên đường nở hồng rực, thỏa mãn khát khao của du khách được ngắm loại hoa đẹp ở ngay châu Á. Thì ra anh đào Doi Angkhang nở nhiều nhất là trong công viên này.

Màu hồng của anh đào ẩn hiện trong tất cả góc nhìn của công viên. Người người đợi nhau để chụp hình cùng những chùm hoa hồng phấn đang rực màu lần cuối, trước khi tàn giữa màu trời xám xịt.

Đi sâu vào trong công viên hoàng gia Doi Angkhang như du hành một tour nông nghiệp, cảnh trí đầy sức sống xanh của cỏ cây khiến từng bước chân trở nên thật dễ chịu.

Du lịch Chiang Mai, đến Doi Angkhang càng thấy cách người Thái làm du lịch rất công phu, ít khi để lại tiếc nuối cho những ai đã cất công đến.

Từ những đại cảnh như vườn hồng, công viên 80 (quang cảnh mừng sinh nhật thứ 80 của vua Bhumibol Adulyadej – vua Rama IX, trị vì Thái Lan từ năm 1946-2016), công viên bonsai, greenhouse, con đường hoa anh đào, đồi cỏ dại, vườn kiwi, vườn cam, vườn đào… đến những tiểu tiết như chiếc ghế nghỉ chân như ngả lưng vào đồi, những luống xà lách tươi trong, bức tượng gỗ có gương mặt ngộ nghĩnh, cây bonsai bằng sỏi, một gian triển lãm về quá khứ vùng đất Doi Angkhang…

Cảnh quan vẫn đẹp tự nhiên trong một tổng thể quy hoạch khoa học.

Đá sơn màu và lồng đèn giăng, tạo ánh nhìn vui tươi cho Thái Lan - Ảnh: T.M.H.

Đá sơn màu và lồng đèn giăng, tạo ánh nhìn vui tươi cho Thái Lan – Ảnh: T.M.H.

“Giúp người miền núi, giúp người Thái, giúp thế giới!”

Đó là câu chủ đề của một góc triển lãm nhỏ tại công viên hoàng gia Doi Angkhang. Các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc mà vua Bhumibol Adulyadej cùng hoàng gia và người dân đã tạo nên một sự biến đổi tươi lành, tạo ra cuộc đời cây cối mới cho vùng đất biên ải Doi Angkhang này.

Doi Angkhang vốn là vùng đồi núi biên giới (Thái Lan – Myanmar) hoang vu, là nơi cư trú của những tộc người thiểu số như Shan, La Hủ đen, Paluang, Chin…

Trong đó có những tộc người đến Doi Angkhang ngụ cư do những biến động chính trị tại Myanmar và Trung Quốc. Và từ lâu đời, họ sống cuộc đời nghèo khổ bằng nghề trồng hoa anh túc.

Năm 1969, sau khi vua Bhumibol Adulyadej nhìn thấy Doi Angkhang phủ kín bởi những đồi hoa anh túc, ông đã đến và thực hiện Dự án nông nghiệp hoàng gia Doi Angkhang (Doi Angkhang Royal Agricultural Project) để thay đổi hiện thực đó.

Những tộc người miền núi hiền lành từng sống trong vùng nghèo đói, đổ mồ hôi kiếm sống trong sự tiếp tay cho chết chóc nay đã sang cảnh đời mới. Từ sau ấy, những vụ mùa của họ là đào, là dâu tây, kiwi, cà chua, quýt; là bí ngô, là rau, là thảo dược…

Góc trưng bày về sự thay đổi của vùng đất Doi Angkhang - Ảnh: T.M.H.

Góc trưng bày về sự thay đổi của vùng đất Doi Angkhang – Ảnh: T.M.H.

Người ta chỉ giữ lại vài bông hoa anh túc nở trong hương sắc đậm, như giữ lại chứng tích một câu chuyện của quá khứ buồn.

Những mùa hoa anh đào đã được trồng và nở rực rỡ ở đây. Và giờ người Thái nghĩ về Doi Angkhang như vùng đất của hoa anh đào. Doi Angkhang cũng trở thành một trạm nghiên cứu nông nghiệp, giúp hồi sinh nhiều vùng đất nông nghiệp khác ở khắp Thái Lan.

Trái cây khô, nước ép Doi Kham – một thương hiệu nông sản nổi tiếng của Thái Lan – được ra đời từ vùng đất này. Từ một mảnh đất mà thuốc phiện chiếm cứ, Doi Angkhang nay đã trở thành bằng chứng sống động cho sức sống kinh tế và thành tựu nông nghiệp của một đất nước Đông Nam Á.

Du lịch Chiang Mai, đi giữa cỏ cây ở Doi Angkhang, hít thở sâu làn không khí trong trẻo, nghĩ về sức mạnh giúp một vùng đất gượng dậy từ chết chóc, lắng nghe trong thinh lặng câu chuyện về sự hồi sinh trong khô cằn, nghèo đói. Để rồi khi đi qua, trong mắt vẫn đầy màu xanh…

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan