Khi Keo Kak, 58 tuổi, vượt qua biên giới Campuchia sang Việt Nam để đến bệnh viện Chợ Rẫy, ông hiển nhiên trở thành một khách du lịch theo diện chữa bệnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á sở hữu nền kinh tế phát triển nhất hiện nay. Không chỉ vậy, ngành du lịch của Việt Nam cũng có những bước tiến lớn trong suốt nhiều năm qua. Trong năm 2010, Việt Nam chào đón gần 4 triệu du khách nước ngoài, đại đa số đến từ Trung Quốc, 10% đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo đà này, Bộ Du lịch Việt Nam đang tìm kiếm những mô hình mới để thúc đẩy sự phát triển của du lịch, trong số đó, du lịch y tế được xem là ưu tiên hàng đầu.
Khi Keo Kak, 58 tuổi, vượt qua biên giới Campuchia sang Việt Nam để đến bệnh viện Chợ Rẫy, ông hiển nhiên trở thành một khách du lịch theo diện chữa bệnh.
Ngày nay, có rất nhiều bệnh nhân quyết định sang nước ngoài điều trị theo kiểu như vậy. Nguyên nhân là vì họ muốn tìm kiếm một phương pháp tốt hơn, tân tiến hơn và đặc biệt với chi phí thấp hơn.
Không thể phủ nhận, mô hình này đem đến nguồn lợi lớn cho quốc gia nhưng bên cạnh đó, nó cũng tạo ra không ít vấn đề. Keith Pollard, biên tập viên của tờ Medical Travel Journal giải thích: “Không có bất cứ số liệu chuẩn xác nào về du lịch y tế, hầu hết những con số mà người ta thấy trên mạng đều khá ảo, chủ yếu dựa vào dự đoán. Ngoài ra, mỗi quốc gia ở Đông Nam Á thu hút bệnh nhân khắp thế giới bởi những nguyên nhân khác nhau.”
Điển hình như Việt Nam, đất nước hình chữ S là địa điểm lý tưởng dành cho những bệnh nhân đến từ Campuchia – nơi mà nền y tế vẫn còn khá hạn chế. Kounila, con gái của Kak – một bệnh nhân điều trị lâu năm tại Việt Nam cho biết: “Ở Phnom Penh có những bệnh viện tốt với đội ngũ y bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, họ chỉ chủ yếu dành thời gian cho những bệnh nhân riêng của họ. Đối với người bệnh bình thường, họ khá lơ là. Chúng tôi đã đến nhiều trung tâm y tế khác nhau nhưng vẫn không thể tìm thấy điều mà chúng tôi cần. Trong khi đó, những bệnh viện quốc tế thì vô cùng đắt đỏ. Sau khi được một người quen cho lời khuyên, gia đình chúng tôi quyết định sang Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của tôi về các bác sĩ Việt Nam rất tốt. Hầu như ai cũng có thể nói tiếng Anh. Không những vậy, các bệnh viện ở đây cũng được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại.”
Được biết, mỗi ngày có trung bình 250 người Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh. Địa chỉ quen thuộc của họ là những bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, FV và bệnh viện Đại học Y Dược. Theo số liệu từ International Medical Travel Journal, chỉ trong vòng 3 năm, số lượng bệnh nhân Campuchia điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy tăng đến 90%.
Bên cạnh việc chữa bệnh, những bệnh nhân này còn tranh thủ du lịch thăm thú Việt Nam. Một trong những nơi ưa thích của họ là Đà Lạt.
Mặc dù trong nhiều năm qua, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích chữa bệnh tăng đáng kể nhưng nhìn chung so sánh với nhiều quốc gia khác, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Marketing của Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: “Mô hình du lịch y tế ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển mạnh.”
Trong khi đó, Dr. Rafi Kot – CEO của Family Medical Practice cho rằng: “Điều chúng ta có không phải du lịch y tế. Các bệnh nhân Campuchia đổ xô sang Việt Nam chỉ vì chi phí ở đây thấp hơn so với các nước khác như Thái Lan và Singapore.” Nói như vậy có nghĩa là, để có mặt trên bản đồ du lịch y tế thế giới, Việt Nam cần phải nổ lực nhiều hơn nữa. Việc phát triển những bệnh viện, trung tâm y tế cũng như đẩy mạnh chất lượng dịch vụ là điều cần làm hiện nay.