Trường phái nghệ thuật tối giản giúp các nhiếp ảnh gia khai thác tối đa trí tưởng tượng để thể hiện tâm sự muốn gửi gắm qua những bức ảnh tối giản.
Việt Nam qua những bức ảnh tối giản
Trần Thắng Nhật, cử nhân Biên phiên dịch – Ngữ văn Anh, đem trong mình niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau thời gian dài thử sức với các phong cách như macro hay milky way, anh tìm ra trường phái thực sự thích hợp với mình là tối giản. Đây là kiểu chụp ảnh mà người cầm máy sẽ loại bỏ tối đa chi tiết để thể hiện trí tưởng tượng của mình.
Thắng Nhật dành thời gian đi nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Anh tâm sự mình thích những điều giản đơn nên không thoải mái khi được nhờ chụp chân dung bởi hay bị chê “toàn lấy khoảnh khắc tự nhiên, không biết tránh góc chết”. Trong ảnh, tấm “Lưỡng long tranh châu” được anh sáng tác bên bờ sông ở quận 2. “Tôi bất chợt thấy một hình tròn trên mái miếu. Nhân lúc mặt trời xuống, không quá chói, tôi đã chụp cả 2 bằng kỹ thuật phơi sáng kép có sẵn trên máy ảnh”, anh kể.
Tác giả gọi tấm ảnh này là “Màu của Hội An” vì bức ảnh mang những gam màu đặc trưng nhất ở phố cổ. Anh cho biết mình không muốn đi theo lối mòn của các tác phẩm chụp Hội An như cô gái áo dài, cụ bà nón lá… “Tôi tìm thấy một khách sạn được sơn màu vàng rất Hội An. Sau đó, tôi lái xe quanh khách sạn, chụp nhiều góc đến khi có những bức hình ưng ý nhất. Công đoạn cuối là hậu kỳ để bức ảnh mang 2 màu nổi bật của phố Hội”, anh kể.
Những đường dây điện cũng trở thành cảm hứng sáng tác của nhiếp ảnh gia 30 tuổi. Anh đặt tên bức ảnh này là “Những đường thẳng song song rồi sẽ gặp nhau ở vô cực”. Điều này được anh áp dụng trong cuộc sống thực để luôn nhìn mọi thứ theo con mắt tích cực.
Nhiếp ảnh gia 30 tuổi tâm sự chơi ảnh tối giản có khó nhưng cũng dễ. Điều thích nhất là có thể sáng tác ở bất kỳ địa điểm nào trên khắp Việt Nam và không yêu cầu quá nhiều thiết bị. Điểm khó nhất là phải sáng tạo các góc chụp, cách nghĩ mới để tránh trùng lặp.
Nhìn khoảnh khắc con chim đậu trên cành cây cao, Thắng Nhật nghĩ về câu chuyện “muốn lên cao phải chịu sự cô đơn”.
Việc hậu kỳ bao gồm loại bỏ “rác”, cắt, chỉnh thẳng những ảnh bị méo, tăng giảm sáng và độ tương phản…
Bức ảnh trước được đặt tên “Tôi nói mặt trời có nghe rõ không”
Bức “Hộp đêm” được tác giả thực hiện năm 2019 ở một ký túc xá sinh viên. “Hôm ấy, tôi và một anh bạn đầu trọc trông khá giang hồ đến xin vào chụp ảnh thì được cho phép. Tuy nhiên, một bạn sinh viên quên thẻ lại không được cho vào. Anh bạn đi cùng khá ngạc nhiên nhưng tôi thì không vì mình chẳng làm gì lén lút”, anh chia sẻ.
“Sun si” là cách chơi chữ của tác giả khi mặt trời đang ở vị trí của nốt Si. Đồng thời, đây cũng là cách nói một tính cách không hay trong xã hội.
“Giữa đời” bắt đúng khoảnh khắc người phụ nữ xách đồ đi đúng vào điểm trung tâm của khung ảnh.
Bức ảnh mang tên “Lỗ thở” được chụp tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
“Trung hoa” là tên bức ảnh chụp ở một khu du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng. Tác giả ấn tượng với trần nhà của địa điểm này với những đường nét dọc ngang, hoa văn lớn nhỏ. Điều đặc biệt nhất là chiếc đèn to ở giữa trông như cánh hoa đang xòe.
Bức ảnh tâm đắc nhất của Thắng Nhật là “Cửa sổ trên cùng một bức tường có nhất thiết phải giống nhau”. Thông điệp anh muốn truyền tải là không nên đánh đồng những người có cùng gốc gác, quê hương, gia đình vì mỗi con người là một cá thể riêng biệt.
Theo Thắng Nhật và Anh Tú/ Zing.vn