Mục lục
Những tiết lộ thú vị của ông Phạm Anh Khoa, Giám đốc Học viện Yola, chuyên tổ chức đào tạo tiếng Anh và tư vấn du học, xung quanh việc xin visa Mỹ.
Ông Phạm Anh Khoa là một trong những người sáng lập tổ chức VietAbroader (tổ chức do sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ thành lập và điều hành), chuyên hỗ trợ học sinh đi du học Mỹ. Bản thân ông Khoa đã có 6 lần xin visa không di dân Mỹ (du học, du lịch, công tác).
“Vì yếu tố chủ quan, nói nôm na là “hên xui”, của việc xin visa đi Mỹ nên đôi khi có trường hợp rất khó giải thích“, ông Khoa bắt đầu câu chuyện.
Xin visa Mỹ là… hên xui
Tôi biết một ông giám đốc đại diện cho công ty Mỹ ở Việt Nam, thu nhập rất cao, làm việc ở công ty đó một thời gian dài, thường xuyên qua Mỹ công tác và du lịch như cơm bữa.
Thế nhưng, con gái của ông ấy xin visa du lịch hay du học qua Mỹ đều rớt và rớt tổng cộng 5 lần, đến giờ vẫn… ở Việt Nam!
Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Một học sinh đi học đại học trễ 5 năm, ba mẹ đều làm nghề nông ở quê, có anh trai đang học ở Mỹ. Em học sinh này xin visa lần đầu rớt nhưng khi xin lại lần thứ hai thì đậu liền.
Khi tôi xin visa sang Mỹ du học lần đầu tiên, mọi thứ khá thuận lợi, vì tôi có học bổng toàn phần từ trường đại học Mỹ.
Những lần sau này khi tham gia phỏng vấn xin visa, tôi chỉ mất chưa đến 30 giây. Nhiều khi hai bên trò chuyện, hỏi thăm cho vui chứ không nói gì liên quan đến visa.
Không có chuyện bảo đảm 100% xin được visa Mỹ
Một trong những lý do khiến việc xin visa đi Mỹ là “hên xui” vì xin visa đi Úc hay Anh người ta phải nộp giấy tờ tài chính và các hồ sơ liên quan ngay từ đầu. Nhân viên lãnh sự có thời gian tương đối nhiều để kiểm tra, phân tích tài liệu.
Trong khi đó, đối với visa Mỹ, hồ sơ sơ khảo chỉ cần nộp qua mạng, còn tất cả giấy tờ tài chính được mang trực tiếp đến phòng phỏng vấn. Chính vì vậy, nhân viên lãnh sự phỏng vấn xin visa Mỹ có một áp lực rất lớn là phải ra quyết định trong một thời gian rất ngắn với những thông tin về gia đình, về tài chính chưa được kiểm chứng kỹ.
Khi phỏng vấn, người xin visa cũng chỉ có vài phút, và tất cả ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, thái độ…) sẽ được phân tích sát sao. Chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi ngờ nào, dù là vô tình hay cố ý, khả năng rớt visa sẽ… rất cao.
Chưa kể, để được cấp visa, người nộp đơn phải chứng tỏ được rằng họ không có ý định định cư tại Mỹ. Để chứng minh được điều này thì cần chứng minh những ràng buộc tại Việt Nam về khía cạnh gia đình, tài chính, công việc, học hành, hoặc tương lai sự nghiệp. Mỗi cá nhân với từng hoàn cảnh riêng sẽ có câu trả lời và cách chứng minh riêng cho mình, không ai giống ai.
Chính vì hai lý do trên, quyết định cấp xét xin visa Mỹ mang tính chủ quan, khó lường… Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tuyên bố có thể đảm bảo về kết quả xin visa Mỹ thì hoặc là khoác lác hoặc là mờ ám như vụ “bán” visa gần đây.
Visa du lịch ngắn hạn sẽ bị siết chặt
Theo như thông tin ghi trong tài liệu 28 trang cáo buộc ông Michael Sestak mà tôi có được thì các trường hợp vi phạm đang được điều tra đều là visa du lịch, cụ thể là một số cá nhân muốn qua Mỹ bằng visa du lịch để sau đó tìm cách trốn ở lại Mỹ.
Vì vậy, theo tôi, tình hình xin visa du lịch ngắn hạn trong thời gian trước mắt sẽ bị siết chặt hơn, còn visa du học sẽ ít bị ảnh hưởng.
Cá nhân tôi đánh giá, khi người Việt Nam qua Mỹ du lịch hay du học, coi như họ đã đóng góp cho nước Mỹ rất nhiều ngoại tệ cũng như tài năng. Vì vậy, cho dù có thể có những lùm xùm trong ngắn hạn, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các bộ phận lãnh sự ở Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm những trường hợp xin visa chính đáng được cấp visa, vì đó cũng là quyền lợi của Mỹ.
Theo tôi quan sát thì tình hình cấp visa không di dân Mỹ ở Việt Nam tăng trưởng lạc quan trong thời gian ba năm vừa qua. Theo thống kê cung cấp bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số lượng visa B1 và B2 (dành cho mục đích công việc, tham quan, du lịch…) cấp cho công dân Việt Nam tăng mạnh từ 31.679 trường hợp trong năm 2010 lên đến 41.730 trường hợp trong năm 2012.
Nếu hồ sơ bạn chính xác, chân thành mà bị rớt thì vẫn còn khả năng xin phỏng vấn lại lần thứ 2, lần thứ 3…
Nhưng nếu bạn gian dối, như gần 100 cá nhân trong vụ Michael Sestak, thì cánh cửa đi Mỹ sẽ đóng vĩnh viễn.
Số lượng visa F-1 (dành cho học sinh có nhu cầu du học tại Mỹ trên 1 năm) cũng tăng từ con số 8.681 vào năm 2010 lên 10.343 trong năm 2012.
Trước khi có vụ gian lận cấp visa của ông Sestak thì cũng từng xảy ra các vụ gian lận visa ở những văn phòng lãnh sự Mỹ ở các thành phố khác trên thế giới.
Và cho dù như vậy, có một điều chắc chắn là những luật lệ, điều khoản về xin visa Mỹ vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, một việc có thể thay đổi ở Việt Nam đó là các nhân viên lãnh sự sẽ phân tích, soi xét hồ sơ kỹ hơn, và sếp của các nhân viên này cũng sẽ quản lý, kiểm tra các nhân viên sát sao hơn.
Vì vậy, tôi khuyên tất cả những người chuẩn bị xin visa du học hay du lịch gạt bỏ ý nghĩ gian dối, gian lận hồ sơ.
Cứ 3 người xin, 1 người rớt
Nhờ quá trình điều tra vụ án gian lận visa của ông Michael Sestak mà con số thống kê thú vị về tỷ lệ từ chối visa, vốn được bảo mật cẩn thận, của Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM được tiết lộ.
Cụ thể là từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đã chấp nhận 20.362 visa không di dân và từ chối 11.024 visa không di dân, nghĩa là tỷ lệ từ chối khoảng 35,1%.
Trái với nhiều tin đồn là hầu hết người xin visa Mỹ đều rớt, con số 35,1% nói lên một sự thật là, nếu nhìn tình hình một cách tổng thể công bằng, thì cứ 3 người xin visa du lịch hay du học Mỹ có xấp xỉ 2 người đậu, 1 người rớt.
Nguồn từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tổng số visa không di dân cấp cho người dân Việt Nam từ khoảng 13.000 trường hợp năm 2000, đã tăng lên khoảng 58.000 trường hợp vào năm 2012. Liên tiếp 3 năm 2010, 2011, 2012, tổng số visa không di dân tăng liên tục, lần lượt là 46.000, 50.000 và 58.000.
Vì vậy mọi người hãy cứ bình tĩnh, tự tin và chân thành khi xin visa, theo ông Phạm Anh Khoa.