Mục lục
Về thói xấu của người Việt, nếu nói rộng ra là yếu tố phi văn hoá trong cộng đồng người Việt. Trong xã hội cũng có nhiều thái độ ứng xử khác nhau, nhưng phổ biến nhất là 2 dạng thái độ sau:
Thứ nhất: không thừa nhận, cho rằng đó là cá biệt, nói ra sợ xấu, bạn bè biết, không chơi với mình nữa, nặng tư tưởng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”… “đóng cửa trong nhà bảo nhau”… Quan điểm đó đúng là yêu đất nước, con người Việt Nam thật! Xong đó là cách yêu thụ động, yếm thế… rất có hại.
Thứ hai: thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những hiện tượng xấu trong văn hoá Việt… từ đó nhận thức lại, tuyên truyền, giáo dục xây dựng nếp sống văn hoá ứng xử văn minh. Đây là cách yêu dũng cảm, có trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc…. Tôi ủng hộ quan điểm thứ hai.
Trong phạm vi nhỏ xin kể cho các bạn nghe về một trong những thói xấu của người Việt mà tôi là người trong cuộc, câu chuyện theo thứ tự thời gian.
Chuyện thứ nhất:
Năm 2002, tôi có mặt trong một đoàn công tác, được đối tác mời đi làm việc tại Hàn Quốc, khách sạn nơi chúng tôi ở là khách sạn 4 sao nằm ở đông nam thủ đô Seoul và tương đối xa, và lại ở thời điểm đấy, nên tôi nghĩ chắc không có khách Việt Nam ở đây. Một lần, tôi và anh bạn đi thang máy đi từ tầng hầm lên tầng 6, nơi phòng chúng tôi ở.
Trong thang máy chỉ có 2 anh em nên chúng tôi nói chuyện thoải mái, khi cầu thang tầng dừng ở tầng 2 có 4 người khách vào thì chúng tôi không nói chuyện nữa và cứ nghĩ họ là người Trung Quốc, trong cầu thang họ nhìn chúng tôi bằng con mắt không mấy thân thiện mặc dù họ biết chúng tôi nói chuyện bằng Việt. Lên tầng 5 họ ra khỏi thang và nói chuyện với nhau bằng tiếng…. Việt, lúc đó tôi thực sự ngạc nhiên… nếu tôi là người vào sau nghe tiếng và biết họ là người Việt thì tôi sẽ hỏi ngay “ơ xin lỗi, các anh đến đây lâu chưa…..”. Tôi cứ nghĩ mãi không biết tại sao?
Chuyện thứ 2:
Năm 2004, tôi được cử làm trưởng đoàn đi công tác Thái Lan, vì đã đi nhiều lần nên tôi dặn anh em rất kỹ, từng chi tiết một: ăn ở, sử dụng thiết bị sinh hoạt…. Khi đến khách sạn thì họ bố trí sẵn tôi và anh bạn phiên dịch ở tầng 2 còn anh em trong đoàn ở tầng 17, chúng tôi lên phòng và chờ nhân viên lễ tân mang đồ lên.
Mệt nên ai cũng nằm nghỉ, phiên dịch cũng kịp thông báo cho mọi người cách sử dụng thiết bị, danh sách phòng và điện thoại… Không thấy tạp vụ mang đồ lên, nên anh bạn phiên dịch gọi xuống lễ tân nhắc chuyển hành lý lên, họ nói chờ chút ít vì đã chuyển… Chờ mãi không thấy nên chúng tôi đi ăn cơm ở tầng 21, khi gặp mọi người, không thấy ai nói gì, khi xuống dừng ở tầng 17 để anh em ra… thì thấy đồ của tôi và anh bạn vứt chỏng chơ ờ hành lang ngay trước cầu thang mà ai cũng biết của ai vì đều ghi cụ thể họ tên… thật buồn…. Chắc họ nghĩ tôi và anh bạn phiên dịch được ưu ái hơn nên “cho mày chết”…. nhưng còn buồn hơn là chuyện ăn uống.
Khách sạn họ phục vụ buffet, tôi cũng dặn anh em rất kỹ: có rất nhiều món ăn và có món không hợp nên: hãy đi một vòng tìm hiểu, sau đó lấy dần nếu ăn hết thì lấy tiếp… cực hạn chế để thức ăn thừa…. Không! Họ đâu có nghe “cứ đánh thẳng vào trung tâm” lấy thức ăn bạt mạng … có ông ăn xong chơi hẳn một đĩa hoa quả to… 3 người ăn không hết… “miếng ăn là miếng nhục” họ đâu có đói khát, mà vấn đề là văn hoá… Cái giá trị phi vật thể nó kết tinh từ ngàn năm đọng lại trong mỗi con người Việt.
Một số anh em xấu hổ quá, tôi tiếp tục nhắc nhở, nhưng sau họ vẫn thế, cứ như cái chợ… thật buồn và sau đó tôi và một số người đi ăn cố ngồi thật xa đám người “đồng bào” đó sợ họ biết mình cũng đoàn. Dù hành động như vậy là không phải, nhưng xấu hổ quá đành vậy. Và tôi chợt nghĩ phải chăng khi ở Hàn Quốc mấy ông người Việt cũng không muốn chào hỏi làm quen chúng tôi cũng sợ như vậy.
Chuyện thứ 3:
Năm 2007, tôi có một chuyến đi công tác tại Đài Loan, trong chuyến tham quan làm việc đoàn chúng tôi có ghé thăm hồ Nhật Nguyệt, một thắng cảnh đẹp ở miền trung Đài Loan. Sau khi thăm các ngôi chùa, chúng tôi đi vào các cửa hàng mua đồ lưu niệm và đặc sản địa phương. Tôi vào sau và chứng kiến một chị trong đoàn mua nhung hươu của một cô gái bán hàng người Việt quê ở Sa Đéc. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì chỗ này rất hẻo lánh mà lại gặp người Việt, được nói với nhau bằng thứ tiếng của cha ông.
Cô gái nói chuyện lấy chồng người Đài Loan và bán hàng được 3 năm, cũng nói em bán hàng ở đây nhưng hầu như không mấy gặp được người Việt, nên gặp các anh các chị quí hoá quá…. Cô ta có một cô em gái khoảng trên 20 trông rất xinh, mũi cao, mặt trái xoan, có thân hình rất đẹp… cũng bán hàng nên cả đoàn đều xúm vào tán chuyện.
Khi tôi vào thấy cô chị nói: “Ở đây em bán 100$ một lạng nhưng gặp đồng hương em chỉ lấy giá vốn 70$” sau đó họ thống nhất là 200$ cho 3 lạng, ai cũng nghĩ đó là thật và tình cảm… Sau đó hai chị em cô gái bám chặt lấy chị mua hàng không cho chị tiếp xúc với ai cho đến khi tiễn lên cửa ô tô. Tôi và một số anh em khác sang một số quầy hàng khác thật ngạc nhiên: nhung hươu đúng hệt như vậy người bản xứ họ bán cho chúng tôi 25$ một lạng chưa mặc cả….
Tôi vội nhắc anh em: thôi chị ấy đã mua rồi, lên xe đừng nói cho chị ấy biết, không có “đêm lại không ngủ được”. Có lẽ đến bây giờ chị ấy vẫn tưởng mình mua được nhung “ngoại” giá hợp lý. Biết nói thế nào đây nhỉ! người Việt như vậy có nhiều không? Đi nhiều tôi biết rất tiếc rằng nó lại không phải là thiểu số.
Chuyện thứ 4:
Khi tôi ở Canada và Mỹ, ra đường liên tục phải chào “Hi”, “Hello”, phải cười, nhiều khi phải giơ tay đáp lễ… Nhất là đi bộ tập thể dục, từ xa họ đã cười, giơ tay chào… Con người nhìn nhau với ánh mắt thân thiện, tôn trọng. Nhưng cái văn hoá đó không thấm vào người Việt dù họ ở nước ngoài ba bốn chục năm.. Người Việt gặp nhau vẫn “làm ngơ”.
Đi siêu thị tôi biết người bán hàng và người mua đều là người Việt, họ vừa nói với bạn bè bằng tiếng Việt, thế mà khi mua, bán hàng thì họ nói với nhau bằng tiếng Anh mà thực tế tôi biết trình độ tiếng anh của họ cũng chỉ để mua hàng thôi, dù đã mấy chục năm ở nước ngoài. Hình như họ sợ mình là người Việt và sợ hơn nữa là quen với người Việt!
Chuyện thứ 5:
Tôi đến các sân bay Mỹ, khi cần thông tin và nếu được đề nghị giúp đỡ, người dân Mỹ rất tận tình chu đáo. Một lần khi đến Sacramento, cần có điện thoại báo tin cho người bạn đến đón… Tôi đã gặp và làm quen với một chị người Việt. Để làm làm quen, mặc dù biết xong tôi vẫn giả vờ nói “Xin lỗi chị, bạn tôi đến đón tôi mà tôi không biết chỗ này là chỗ nào, xin hỏi chị chỗ này gọi là gì? Mục đích là để chị ấy biết tôi là người Việt ăn nói lễ phép đàng hoàng…
Chị ta trả lời “Chỗ lấy hành lý”. Tôi hỏi tiếp: “Xin lỗi chị, điện thoại của tôi không roaming nên tôi có thể nhờ chị gọi dùm cho anh bạn đi đón ở đây không”? Chị ta ngần ngừ, người đi đón chị ta, có lẽ là chồng nói luôn “Không được”. Tôi nói luôn “Vâng, xin cảm ơn anh” và hỏi luôn anh bạn người Mỹ đứng đó, anh ta vui vẻ đồng ý ngay, chị ấy nhìn tôi với ánh mắt ngượng nghịu. Sao thế nhỉ? tại sao người Việt lại đối xử với nhau như vậy nhỉ, có phải văn hoá không… Đúng đấy, nó lại là văn hoá, cái thứ vô hình đấy nó thấm vào mỗi con người, mỗi dân tộc.
Theo Vietnamnet