Người Tày ở huyện vùng cao Bình Liêu, Quảng Ninh vốn có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, trong đó phải kể đến những điệu hát then, loại hình nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của đồng bào.
Về vùng núi Bình Liêu say mê điệu hát then của người Tày
Người Tày chiếm đến 55% dân số toàn huyện. Đến bất kỳ bản làng, gia đình người Tày nào ở Bình Liêu, du khách đều được thưởng thức làn điệu then đàn tính rất đặc trưng. Diễn xướng hát then thường xuất hiện trong các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng, Thái.
Hát then là hình thức sử dụng âm điệu để trình bày cuộc hành trình của các then mang lễ vật lên mường trời nhằm đại diện cho con người cầu xin những điều tốt đẹp dưới trần gian. Nhạc cụ không thể thiếu khi diễn xướng làn điệu then là cây tính tảu, then và tính tảu như bóng với hình trên sâu khấu, không thể tách rời.
Âm điệu trầm bổng, dặt dìu cùng với lời then diễn tả từng chặng đường đi của đoàn quân then: khi giục giã vội vã, lúc khoan thai dừng nghỉ bên đường, khi thỉnh cầu tha thiết, khi vượt biển rộn rã…
Từng chương, từng đoạn trong bài then (gọi là “không” và “khái”) được người diễn xướng (được gọi là bà then, ông then) đưa người thưởng thức lạc vào thế giới mới lạ được hòa quyện trong tiếng đàn tính tảu.
Đêm hát then có vai trò là liệu pháp tinh thần cho người ốm, mang lại niềm tin, phấn chấn, yêu đời, yêu người… cho mỗi người tham dự cuộc then. Vì thế người Tày có câu nói: “Đêm ốm dài, đêm then ngắn”, chứng tỏ hát then khiến con người quên đi muộn phiền, lo lắng, quên đi bệnh tật, đau khổ…
Làn điệu then gắn liền với mỗi người Tày từ khi còn là bào thai đến lúc từ giã trần đời, là một phần máu thịt trong đời sống tinh thần của họ. Ngày nay những bài then mới được các nghệ nhân đặt lời, đưa cuộc sống chân thực, gần gũi vào từng tác phẩm khiến công chúng đón nhận dễ dàng hơn.
Hát then ở Bình Liêu cũng như nhiều nơi khác, theo thể thơ 7 chữ, mỗi câu hát đều mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu chúc những điều may mắn trong cuộc sống. Nếu hát then Lạng Sơn dìu dặt thiết tha, then Hà Giang nhấn nhá từng chút một thì the Bình Liêu có những đặc trưng riêng, khác về âm vực âm điệu vì cách phát âm của mỗi vùng nên cách hát cũng khác nhau.
Then Bình Liêu thường giản đơn, thủ thỉ tâm tình với người nghe, không giàu nhạc điệu như ở những địa phương khác. Với người Tày, then chính là thơ, là cách ví von sâu sắc. Hát then không thể thiếu khi khách đến nhà, khi làm nhà mới. Có rất nhiều chủ đề trong then, như ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, hát về Bác Hồ…
Nhiều tác phẩm then ở Bình Liêu đến nay vẫn còn sức sống mãnh liệt, đó là các tác phẩm gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ (Ngẩm nghỉ chang vằn tấc Mỷ – Ngẫm nghĩ trong những ngày đánh Mỹ, Kịch then: Ăn cương téng nả – Chiếc gương soi mặt…), phản ánh công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Cùn khảu – gặt lúa, Éo nọong – ru em…), sau này là rất nhiều những tác phẩm ca ngợi quê hương Bình Liêu (Lằm tàng Phiêng Lèo – con đường Bình Liêu, Phiêng Lèo túi mấu – Bình Liêu đổi mới…).
Then không những giúp con người bày tỏ cảm xúc buồn, vui, giận, hờn mà còn có vai trò thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, trở thành phương tiện tuyên truyền đường lối của Đảng đạt hiệu quả cao vì dễ đi vào lòng người.
Hiện nay hát then ở Bình Liêu là sản phẩm du lịch đặc sắc. Đến Bình Liêu, du khách được tìm hiểu về các nội dung liên quan đến hát then, đàn tính, được thưởng thức các tiết mục do đồng bào Tày Bình Liêu biểu diễn.
Từ một loại hình diễn xướng thiên về tín ngưỡng, làn điệu then đang được phát huy thành thế mạnh du lịch tinh thần. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sức sống bền bỉ của then. Vì thế hát then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà người Tày Bình Liêu đang gìn giữ.