Đền Mõ thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng hiện thờ công chúa Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thánh Tông. Đặc biệt tại sân đền có cây gạo nay đã có tuổi đời đến 738 năm (trồng năm Giáp Thân 1284).
Về thăm đền Mõ có cây gạo cổ thụ hơn 700 năm tuổi độc đáo
Đền Mõ thờ Quỳnh Trân công chúa, người đã có công khai hóa mảnh đất này. Tương truyền, công chúa nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức, tuy sống trong nhung lụa nhưng đầy phiền muộn. Công chúa thường cùng người hầu cải trang thành thường dân để tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã.
Một hôm, khi qua làng Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), thấy mảnh đất này có núi non, sông nước mênh mông, liền xin vua cha cho lập am tu hành tại đây. Năm Quý Mùi (1283), công chúa xuất gia, quy y cửa Phật. Mặc dù rất thương con, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, nhà vua đành phải đồng ý.
Tại Nghi Dương, cùng với việc lập am, công chúa Quỳnh Trân còn chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, cung cấp lương thực, tiền bạc cho người nghèo, lập điền trang trồng lương thực, mở chợ cho dân buôn bán, tập hợp dân trong vùng đến đây sinh sống.
Có năm thiên tai mất mùa, công chúa xin vua miễn thuế cho 5 xã trong vùng vì thế người dân rất nhớ ơn. Để công việc hằng ngày được trơn tru, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc… Từ đó, người dân trong vùng gọi công chúa là bà Chúa Mõ.
Công chúa Quỳnh Trân còn trồng một cây gạo ở đền Mõ để lấy bóng mát cho người dân nghỉ ngơi và cầu mong cho mọi người đều có gạo ăn. Sau khi công chúa qua đời, người dân quanh vùng lập đền thờ, lấy tiếng mõ là tên cho đền để tưởng nhớ công đức của bà. Ngôi chùa cổ Hồng Phúc, nơi tu hành của công chúa Quỳnh Trân và ngôi đền thờ sau khi bà qua đời cũng được gọi là đền, chùa Mõ.
Hiện tại, cây gạo có chiều cao 30m, gồm 2 thân: Một thân chính có đường kính hơn 2m và thân phụ có đường kính 0,5m. Diện tích của tán cây khoảng 1.200 mét vuông. Qua 738 năm, cây gạo vẫn xanh tươi, nở hoa đỏ rực vào khoảng tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Mỗi mùa hoa nở, đền Mõ đỏ rực màu của hoa gạo.
Từ xa nhìn lại, cây gạo khá giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, vỗ về đứa con. Người dân trong vùng tin rằng vợ chồng cùng đến chạm vào phần gốc cây, hay khấn xin bà Chúa Mõ, lấy một chút vỏ cây về đem gối đầu giường, sẽ nhanh chóng được con đàn, cháu đống.
Đặc biệt, hàng trăm năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá sum suê tỏa ra tứ phía, nhưng không có cành cây nào làm hư hại đến mái đình, vì cứ mọc gần đến mái đền thì cành cây gạo sẽ tự khô héo, mục nát.
Lễ hội đền Mõ hàng năm được tổ chức từ 12 đến 14 tháng 2 âm lịch. Cùng với các nghi lễ: rước thánh hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.
Năm 1991, đền Mõ được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2011, đúng ngày lễ hội đền Mõ, cây gạo cổ thụ hơn 700 tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Với người dân quanh vùng, đền Mõ và cây gạo trong sân đền trở thành biểu tượng tín ngưỡng rất đỗi thân quen. Vẻ đẹp xù xì nhưng uy nghi của cây gạo và vẻ đẹp mỗi khi hoa gạo bung nở vào mùa xuân trông như hàng nghìn đốm lửa đang rực cháy luôn tồn tại trong tâm trí của người con quê hương và lữ khách đường xa.
Theo iVIVU.com