Ngoài việc lên kế hoạch đi lại, ăn nghỉ hợp lý, bạn cũng cần nắm rõ lịch hoạt động của các sự kiện diễn ra trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Ninh Bình.
Những lưu ý sau đây sẽ giúp chuyến du lịch dự Đại lễ Vesak 2014 tại Ninh Bình thuận tiện và ý nghĩa hơn.
Đi lại
Ninh Bình chỉ cách Hà Nội khoảng 90 km, nơi có đường quốc lộ 1A, 10, 12A, 12B và đường sắt Bắc – Nam chạy qua nên tùy vào vị trí xuất phát bạn có thể chọn phương tiện phù hợp cho mình. Trong đó, ôtô và xe máy là hai phương tiện chính nếu đi từ Hà Nội và các vùng lân cận với khoảng 2 giờ di chuyển.
Khu danh thắng Tràng An – Bái Đính, nơi diễn ra Đại lễ Phật Đản Vesak cách quốc lộ 1A khoảng 10 km, đường bê tông to và đẹp có thể đi thẳng vào. Nếu đi xe khách bạn có thể dừng ở ngoài quốc lộ, cách thành phố Ninh Bình khoảng 5 km và đi tiếp bằng xe ôm hoặc taxi.
Thời gian
Đại lễ Vesak tại Ninh Bình diễn ra từ ngày 7/5 – 11/5. Để tránh cập rập và tham gia trọn vẹn các hoạt động của Đại lễ, bạn nên xuất phát trước một ngày để ổn định nơi ăn nghỉ.
Ăn, nghỉ
Với việc dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 10.000 đại biểu, hiện hệ thống khách sạn tại Ninh Bình đã được huy động gần hết để phục vụ cho Đại lễ. Do đó, nếu không đặt trước hoặc đăng ký theo các đoàn tham gia Đại lễ, bạn nên thuê phòng tại các nhà nghỉ trong thành phố, giá từ 200.000 – 300.000 đồng, tiện nghi và sạch sẽ.
Theo chương trình của Ban tổ chức, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 40.000 hộp cơm được phát miễn phí cho các Phật tử. Tuy nhiên, bạn cũng nên chủ động mang theo đồ ăn để di chuyển đến các điểm khác nhau trong hành trình. Ngoài các nhà hàng đặc sản Ninh Bình mọc san sát trên đường vào Bái Đính, các nhà hàng ăn chay cũng là lựa chọn phù hợp cho chuyến đi sắp tới.
Lịch trình
Tùy theo lịch khởi hành, bạn có thể tham dự những sự kiện quan trọng của Đại lễ như: Nghi thức lễ tắm Phật, buổi thuyết pháp “Ý nghĩa Phật đản”, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, xem bắn pháo hoa chào mừng Đại lễ, hội thảo chuyên đề Phật giáo, trồng cây lưu niệm, phát quà từ thiện, xem chương trình văn nghệ Phật giáo, thảo luận dự thảo tuyên bố chung Vesak 2014, lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2014, thắp nến cầu nguyện hòa bình…
Bạn có thể kết hợp tham gia Đại lễ Vesak với chuyến tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Ninh Bình như cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương, khu sinh thái Thung Nham…
Với các chuyến đi dài ngày, việc kết hợp ghé thăm nhiều điểm du lịch tâm linh gần Ninh Bình như các chùa ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… cũng rất lý tưởng trong thời gian này.
Lưu ý
Khi tham gia Đại lễ, bạn cần chú ý ăn mặc lịch sự, trang nghiêm với quần dài, áo có tay và cổ, không nên mặc váy ngắn hay quần áo hở hang, rườm rà.
Chùa Bái Đính khá rộng, trải dài trên đồi dốc thoai thoải nên bạn không nên đi guốc, dép trơn, mà nên đi giày để tiện cho việc đi lại và leo núi. Thời tiết mùa này mưa nắng khá thất thường nên bạn cũng cần chuẩn bị sẵn mũ và ô.
Các nơi tổ chức Đại lễ thường tập trung rất đông người, nên cần lưu ý bảo quản tài sản có giá trị. Tốt nhất không nên mang theo quá nhiều tiền, đề phòng trộm cắp, móc túi, thậm chí cướp giật.
Dọc hành lang lên Điện Tam Thế có dãy tượng La Hán, du khách thường có thói quen sờ tay vào tượng để cầu mong may mắn, sức khỏe. Tuy nhiên bạn nên tránh vì điều này vô tình làm mất mỹ quan của chùa.
Vào chùa nên từ cửa bên, không nên đi từ cửa chính và dẫm lên bậu cửa. Nên tắt điện thoại hoặc để rung trước khi vào chùa thắp nhang dâng lễ. Không bỏ tiền lên các tượng Phật.
Theo VnExpress