Những bà vợ biết làm chén muối ớt cho ô môi đủ vị của cuộc đời thường được các bạn nhậu của chồng hết lời tán thưởng.
Du lịch miền Tây thưởng thức món ‘hương vị cuộc đời’
Các lão nông ở miền quê thường nhắc đến ô môi như một “cực phẩm” của tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Vừa có thể ăn được, vừa có thể ngắm được lại vừa có thể hồi ức lại tuổi thơ, cho nên mới có câu “khẩu thực, nhãn thực, tâm thực” (ăn bằng miệng, ăn bằng mắt, ăn bằng tim).
Hoa đào của miền Nam
Mỗi năm cứ đến độ nắng trời thiêu đốt vào tháng 3 (âm lịch), ở miền Tây Nam Bộ lại điểm xuyến đây đó những nhành hoa ô môi hồng phấn nhẹ nhàng như bờ môi cong của cô thiếu nữ đồng quê làm dịu lại cái nắng như muốn cháy da. Cây ô môi đã có mặt trong không ít các tác phẩm nghệ thuật bởi không chỉ nó dân dã, mộc mạc, chân quê mà còn bởi nó đẹp một cái đẹp rất riêng, không thua kém các loài hoa khác.
Có người ví von hoa ô môi là hoa đào của miền Nam bởi cái màu hồng của hoa và cái sự nở rộ của mùa. Khi tới mùa, ô môi sẽ trút hết lá và đơm hoa. Mùa hoa sẽ bừng lên một màu hồng phấn, tạo được sự bảo hòa và không lẫn màu tạp của lá cây nên sẽ rực lên giữa nền trời đầy nắng. Có cây cả tán chuyển hẳn sang hồng, phối với cảnh đồng quê sông nước in như một bức tranh sơn thủy hữu tình khiến lòng người ngây ngất.
Những bông hoa ô môi nhỏ như đầu ngón tay gom nhau nở thành từng chùm, rồi những chùm nhỏ hợp thành cụm. Lúc hoa rụng cũng không tàn phai, héo úa như “nàng hồng”, “nàng huệ” kiêu sa. Hoa rụng vẫn còn tươi và còn sắc hồng, rơi xuống đất trải thành một thảm hoa như đón chân lữ khách du lịch miền Tây và tạo ra một cái đẹp khác chứ không bi lụy, héo úa, tàn tạ. Hình ảnh những cơn gió nhẹ cuốn theo từng đợt hoa rơi khiến ai cũng phải nao lòng và không khỏi nhớ đến một tựa phim, một bài hát tình cảm lâm li nào đó.
Đơm hoa xong thì đến hồi kết trái. Trái non có màu xanh, mới đầu nhỏ như que tăm, sau lớn dần lên như quả đậu xanh, rồi đậu đũa… Theo thời gian, nó cũng chuyển dần sang màu đen. Đến mùa hoa sau thì trái chín, chỉ chực đợi có cơn giông là rụng xuống.
Gắn bó với tuổi thơ
Thời điểm tháng 3, tháng 4 (âm lịch) đã có rải rác những cơn mưa đầu mùa. Những ngày sa mưa gông, tụi con nít hay chạy rong ở truồng tắm mưa. Ngoài trò chơi “chọc chó” ra thì trò canh lúc trời giông để lượm ô môi cũng là một trò nguy hiểm. Bởi vì quả ô môi to và dài như một cây ba trắc, độ cứng cũng không kém nên hễ rụng trúng thì chỉ có nước u đầu.
Khi trái còn xanh thì đám con nít leo lên bẻ xuống làm vũ khí đánh trận giả, chơi chán thì bẻ ra moi hạt để ăn. Lúc trái chín đen và bắt đầu rụng thì mùi thơm phản phất, mật trong trái đặc quánh đen óng từng miếng, từng miếng ngọt ngào. Có đứa không kiềm chế được, ăn tham quá thành ra ứ bụng, đến lúc cần “giải quyết nỗi buồn” thì… rơi nước mắt. Hạt ô môi lúc này đã cứng, muốn moi phần thạch trắng ở trong hạt ra thì phải ngâm nước nóng rất lâu mới lột được vỏ hạt.
Riêng phần trái thì phải dùng dao vạc vỏ ngoài đi hoặc dùng cây hay đá cuội đập cho vỡ ra mới ăn được. Dân nhậu ở vùng biên An Giang rất khoái món ô môi chấm muối ớt bởi nó giúp họ chiêm nghiệm lại cuộc đời. Trái ô môi chưa chín muồi có lẫn 2 vị đắng và ngọt. Vị ô môi hòa với vị cay của ớt, mặn của muối rồi lai tạo ra những vị trung gian là chua, chát. Những bà vợ biết làm chén muối ớt cho ô môi đủ vị của cuộc đời thường được các bạn nhậu của chồng hết lời tán thưởng.
Một vị thuốc dân gian
Theo kinh nghiệm dân gian thì trái ô môi khi chín ngâm với rượu có thể trị nhức mỏi, giúp tiêu hóa tốt và kích thích ăn ngon. Lá của nó giã nát rồi xát vào da để trị các loại nấm kí sinh. Ngoài ra, thạch trắng ở trong hạt ô môi cũng có thể nấu chè để làm món giải khát giúp nhuận tràng.
Cây ô môi chủ yếu tự mọc lên, thời gian sinh trưởng gần chục năm lại chẳng có lợi ít kinh tế nên chúng ngày càng ít đi để nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Tuy hoa có đẹp nhưng không mấy ai mang về làm cảnh vì thân cây khó tạo dáng, thường bị sâu đục rỗng ruột và gỗ không tốt nên cũng chẳng thể làm nguyên liệu cho ngành mộc.
Vì những lẽ trên mà mùa hoa ô môi cũng dần ít đi những sắc hồng. Trẻ con bây giờ sung túc hơn nên sẽ có đầy đủ bánh kẹo thay vì món ô môi dân dã. Trái ô môi bây giờ rụng đầy gốc chẳng ai thèm lượm. Bạn nhậu bây giờ cũng thích cao lương mỹ vị ở hàng quán hơn là món “hương vị cuộc đời” ở bên cây rơm, bãi rạ cạnh nhà. “Cực phẩm” của quê hương có thể sẽ trở thành một ký ức màu phấn hồng đẹp đẽ.
Theo Afamily