Làng Kon Sơ Lăl (cũ) ở xã Hà Tây, huyện Chư Pah, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 50km về hướng bắc. Một ngôi làng cả trăm tuổi mang đậm nét đặc sắc người Ba Na, một di sản của Tây nguyên nhưng lại đang xuống sắc một cách đáng tiếc.
Làng Kon Sơ Lăl cũ nằm chon von trước bìa rừng. Sở dĩ gọi là làng cũ vì từ năm 2002, những hộ dân trong làng đã di dời và định cư ở làng Kon Sơ Lăl mới cách đó 3km. Làng mới nay khang trang với nhà bêtông lợp tôn, có điện và nước sạch đến từng nhà.
Ngôi làng trăm tuổi
Làng cũ không có điện, không hàng quán và chỉ còn bốn người ở là bok (bác) Chil, bok Chưng, bok Kơch và bà Dyơi đều đã ở cái tuổi 70-80. Giống như một bảo tàng kiến trúc nguyên bản đã đóng cửa cài then, quanh làng Kon Sơ Lăl cũ um tùm những cây mít, cây khế, cây chùm ruột tán tròn vo, che bóng mát cho hơn 50 nóc nhà sàn mái tranh, vách đất làm bằng đất bùn trộn rơm.
Những nóc nhà lô nhô so le quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng. Giữa làng là một nhà rông “cái” chân ngắn, bề thế, mái tranh bạc phếch màu nắng mưa, hơi cong và dài như một con thuyền lớn úp ngược.
Nó giống như cái nhà rông Ba Na xưa mà nhà văn Nguyên Ngọc từng mô tả “trang trọng và hơi nặng nề, như một vị bô lão hiền minh và nhân hậu, hoặc như một dấu nhấn trầm và đục, khiến cho cái giai điệu kiến trúc nhịp nhàng chung của làng bỗng chứa thêm một sức nặng, một chiều sâu thâm trầm, hơi có chút gì đó huyền bí, thiêng liêng” (Tuyển tập Nguyên Ngọc).
Nó thật sự là một ngôi làng theo lối kiến trúc Ba Na nguyên bản và đẹp nhất mà tôi từng gặp. Cảm giác quá đỗi bình yên khi đặt chân đến ngôi làng, tiếng chim hót véo von trong lùm cây xanh, tiếng ủn ỉn của những chú heo mán và cả tiếng gà cục tác trên vách nhà sàn… Xa xa bìa rừng là muôn vàn những bông dã quỳ vàng khoe sắc…
Trong nắng chiều vàng ruộm đổ xuống vách nhà tranh, già Chưng, 80 tuổi, cùng đứa cháu 2 tuổi ngồi tỉ mẩn vót tre đan gùi. Thấy có người lạ vào làng, già vui vẻ mời vào nhà uống nước, rồi đem đàn goong ra gảy. Tiếng đàn réo rắt, trầm bổng như muốn nhắn nhủ lữ khách hãy ở lại thật lâu cho vơi nỗi buồn của ngôi làng cổ kính này.
Chủ tịch xã Hà Tây Đinh Sưk, tuổi đã xấp xỉ 60, kể: “Mình cũng chẳng biết làng Kon Sơ Lăl cũ có từ khi nào nữa. Chỉ biết từ đời ông bà mình đã có rồi, có lẽ phải hơn trăm tuổi đấy. Làng cũ trước kia có 85 hộ với 454 khẩu. Người làng cũ dời sang làng mới vì có điện và nước sạch. Mình tiếc làng cũ lắm nhưng chẳng biết phải làm sao!”.
Giữ lại những pơtual
Đến Kon Sơ Lăl vào đúng dịp lễ hội bạn sẽ ấn tượng với những pơtual (người làm trò hề). “Có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của người Ba Na ở làng nói riêng và xã Hà Tây mình nói chung” – ông Đinh Sưk nói đầy tự hào.
Nếu trong lễ bỏ mả của đồng bào Jrai chỉ có các pram (con rối) thì tất thảy các lễ hội của người Ba Na như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ mừng chiến thắng… đều có sự xuất hiện của pơtual với điệu “xoang prim” (múa hề). Pơtual được bôi một lớp đất sét, toàn thân có màu vàng nhạt và được gắn thêm chiếc đuôi.
Dụng cụ hóa trang cho các pơtual cực kỳ đơn giản và dân dã bằng cách lấy đất sét ở suối pha với nước thành bột loãng, sau đó bôi lên người. Để gây ấn tượng, người làng còn lấy rễ cây long mun (bộ rễ cây si) hay những bao tải rách kết lại thành những tấm áo, khố rất lạ mắt.
Người dân ở đây cho rằng sự xuất hiện của pơtual làm nguôi ngoai nỗi đau của người sống trước sự chia lìa trong lễ pơ thi (bỏ mả), đồng thời làm tăng nỗi hân hoan của một mùa vụ no ấm trong lễ mừng lúa mới… Pơtual vừa là nhân vật chính, vừa là nhân vật phụ nhưng không thể thiếu trong lễ hội của buôn làng.
Tôi rời làng Kon Sơ Lăl trong nắng chiều đã nguội vàng. Ngôi làng trăm tuổi đã thưa tiếng người, còn người làng Kon Sơ Lăl vẫn đang âm thầm gìn giữ, bảo tồn những kiến trúc văn hóa của cha ông họ. Tôi chợt nghĩ rồi mai đây khi thế hệ lớn tuổi đi về thế giới bên kia, chẳng biết còn ai có thể tiếp tục công việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa này cho Tây nguyên.
Một nét chấm phá tuyệt vời cho ngành du lịch Gia Lai mà sao chưa ai nghĩ đến?