Ai đến Huế, ngoài những di sản thuộc về triều đình nhà Nguyễn, còn rất nhiều điểm đến thiên nhiên có vẻ đẹp bất tận. Sóng nước phá Tam Giang khiến bất cứ ai cũng thốt lên kinh ngạc!
Vẻ đẹp xanh thẳm say lòng người của sóng nước phá Tam Giang
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.”
Cái tên “phá Tam Giang” thường gợi mở cả một vùng sông nước mênh mang cùng bao điều kì thú. Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ thấy được một bức tranh hữu tình thủy mặc với vẻ đẹp say đắm lòng người.
Phá Tam Giang là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – cầu Hai dài nhất Việt Nam, với chiều dài khoảng 24km.
Có diện tích khoảng 52 km², phá nằm trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, nằm trên địa phận 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của Việt Nam. Phá có độ sâu trung bình từ 2 đến 4m, nơi sâu nhất hơn 7m. Phá được ngăn cách với biển Đông bởi dãy cồn đụn cát chắn bờ cao 10 – 30m, rộng từ 0,3 đến 5km.
Nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú ở phá bao gồm đa dạng các loài tôm, cua và cá. Ngư dân sau khi trở về cảng sẽ tập hợp cá đánh bắt được và bán cho thương lái hoặc chợ địa phương.
Thêm nữa, ngoài hải sản tự nhiên, vùng đầm phá hiện còn phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ ven phá và trên phá khoảng hơn 4.700ha, các loại thủy sản nuôi chủ yếu là tôm sú xen ghép với các loại cua, cá dìa, cá kình, cá đối, cá rô phi… và nuôi cá lồng (cá mú, cá vẩu).
Trên phá có rất nhiều trộ sáo của ngư dân. Trộ sáo là hệ thống lưới gồm nhiều nò sao, một dụng cụ đánh cá hình chữ V được làm từ lưới và nan tre. Là dụng cụ đánh cá tôm truyền thống của ngư dân vùng đầm phá.
Mỗi trộ sáo thường do 2 – 3 hộ sở hữu. Những hộ này sẽ thay phiên nhau canh trộ sáo vào ban đêm từ những chòi canh trên mặt nước. Mỗi chòi canh chỉ có những vật dụng cơ bản đủ để một người canh. Hệ thống trộ sáo khiến cả khu vực đầm phá trông như một cánh đồng ruộng khổng lồ có những bờ nước ngăn cách.
Tam Giang mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng, cảnh vật nông thôn đẹp đẽ hoà quyện giữa sông nước, mây trời. Cuộc sống của dân cư xung quanh phá Tam Giang chủ yếu nhờ đánh bắt hải sản trong đầm phá.
Lúc hoàng hôn buông xuống có lẽ là lúc cảnh vật đẹp ngoạn mục nhất trên phá Tam Giang, khung cảnh đó đã đi vào thơ, ca, nhạc và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Ánh hoàng hôn tím xen lẫn ánh mặt trời yếu ớt cuối ngày dường như khiến phá trở nên lãng mạn, thơ mộng hơn.
Nhiều người đến du lịch Huế cho rằng, không giống với vẻ đẹp hoài cổ, tĩnh lặng khi ngắm hoàng hôn ở lăng Khải Định hay Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, ở phá Tam Giang, hoàng hôn thật sự là một cực phẩm kiệt xuất của tạo hoá.
Du lịch Huế hãy dành thời gian khám phá phá Tam Giang, bạn sẽ có những trải nghiệm và nhiều bức ảnh đẹp huyền diệu mà bạn không thể tìm ở nơi khác. Hãy gọi iVIVU để đặt tour Huế với nhiều ưu đãi hấp dẫn!