Ngoài Hoàng thành Thăng Long và thành Cổ Loa, thủ đô còn có một thành cổ khác nổi tiếng không kém là thành cổ Sơn Tây – một trong những tòa thành tiêu biểu và đẹp nhất miền Bắc.
Du lịch Hà Nội ngắm vẻ đẹp rêu phong của thành đá ong độc nhất vô nhị ở thủ đô
Cách trung tâm Hà Nội chừng 45 km về phía Tây, thành cổ Sơn Tây tọa lạc giữa 2 ngôi làng cổ Thuận Nghệ và Mai Trai, do vua Minh Mạng xây dựng năm 1822, làm khu căn cứ quân sự bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa ở hướng Tây Bắc.
Nơi đây được xây chủ yếu bằng đá ong (loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây) xếp chồng lên nhau theo cấu trúc hình tứ giác.
Bao quanh thành là hào rộng 3 m, dài khoảng 2 km.
Trước đây, thành có 4 cổng được xây bằng gạch cổ, ứng với 4 phía đông, tây, nam, bắc.
Mỗi cổng thành đều có lầu canh gác và 2 khẩu súng thần công để bảo vệ thành.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố, hiện chỉ còn giữ được 2 khẩu thần công nằm ở cổng phía Bắc.
Dù thành cổ đã bị tàn phá nhiều, những đường nét, dấu tích xưa vẫn đủ khiến du khách thỏa niềm hoài cổ.
Các công trình lớn của thành được xây dựng theo hướng nam – bắc.
Đầu tiên, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp cổng Tiền ở phía Nam, với rễ cây cổ thụ bao bọc xung quanh, vừa huyền bí vừa rêu phong cổ kính.
Cột cờ cao khoảng 18 m đứng hùng vĩ trên 2 tầng bệ đá có rào chắn xung quanh là tâm điểm của thành cổ.
Trên thân cột cờ có khắc các lỗ hình hoa thị và dải quạt để chiếu sáng cầu thang xoắn phía trong, dẫn lối cho du khách lên đỉnh cột cờ.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn thể khu thành cổ Sơn Tây và gom vào tầm mắt thiên nhiên xanh mát của những bờ cỏ xanh tươi, những hàng cây cơm nguội thay lá mới vào mùa xuân, hoa gạo của tháng 3, phượng đỏ rực một góc trời vào mùa hè, hay sắc vàng của những hàng bồ kết dại vào mùa đông…
Ngay sau cột cờ là Đoan môn.
Rồi đến khoảng sân rộng được lát gạch dẫn tới điện Kính Thiên.
Đây là nơi nghị sự của vua với quan lại một thời.
Phía đông điện Kính Thiên là khu trại giam và kho lương, còn bên tây là Võ Miếu, nơi ghi danh những người đã hy sinh bảo vệ thành. Kế bên là dinh thự của các quan lại đầu tỉnh.
Nếu đến thăm thành cổ Sơn Tây vào đầu xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc hoa rực rỡ đan xen giữa những hàng cây cổ thụ và tận hưởng không gian rêu phong, như miêu tả trong bài thơ “Chiều thành cổ Sơn Tây” của một tác giả Xứ Đoài: “Xứ Đoài ơi bồng bềnh mây trắng/Chiều tím nghiêng thành cổ rêu xanh/Tường đá ong ngậm màu mưa nắng/Tích Giang trôi bóng dáng quê mình”.
Theo Zing News