Ngoài ngắm nhìn khung cảnh hoang sơ, du khách đến Hòn Yến có dịp hòa cùng nhịp sống ngư dân vào mùa đánh cá bằng lưới vây.
Vẻ đẹp mùa lưới vây Hòn Yến
Quang cảnh vùng biển Hòn Yến và mùa đánh bắt thủy sản nhìn từ trên cao. Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 20 km. Người dân địa phương gọi Hòn Yến vì ngày xưa nơi đảo nhỏ này có nhiều chim yến về làm tổ.
Đường đến Hòn Yến từ Tuy Hòa có thể đi từ quốc lộ 1A, rẽ phải ở ngã ba Phú Điềm hoặc có thể đi ven biển theo các đường liên thôn qua các xã An Phú, An Chấn và An Mỹ.
Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp mùa lưới vây ở Hòn Yến” của nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân (quê Phú Yên). Tác giả cho biết hiện sống và làm việc tại TP HCM, nhưng không quên dành tình yêu quê hương Phú Yên.
Quần thể Hòn Yến gồm Hòn Yến, Hòn Đụn (hay còn gọi hòn Sụn – hòn nhỏ nằm gần bên trái), Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi, tạo thành một quần thể thắng cảnh tự nhiên bên bờ biển, được công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2018, trong đó Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật của quần thể.
Hòn Yến và Hòn Đụn nằm cách bờ khoảng 100 m, du khách có thể lội bộ ra hòn vào mùa nước cạn nhưng cũng cần lưu ý bên dưới có nhiều đá và khá gập ghềnh.
Nơi đây có nước biển xanh màu ngọc bích và nơi đây có nhiều loại hải sản tươi ngon như cá cơm, mực, cua hay ốc vú nàng. Ngư dân nơi đây còn nuôi tôm hùm trong các lồng nằm dọc theo vùng bờ biển.
Mỗi lồng nuôi tôm có kích thước khoảng 2,5×2,5×1,2 m, mật độ nuôi đối với kích cỡ tôm 300 – 500g trở lên từ 3 – 5 con/m2 lồng.
Quang cảnh các lồng nuôi tôm hùm và các tàu cùng lúc thả lưới vây đánh cá sát nhau. Phú Yên là “thủ phủ” tôm hùm, với hơn 119.000 lồng nuôi, trong đó tôm thương phẩm có hơn 84.200 lồng, còn lại là tôm hùm giống.
“Vũ điệu” tấm lưới xanh vây trên biển với nhiều hình dạng khác nhau, như hình tròn (ảnh), trái tim hay lá sen.
Anh Nhân cho biết, vào tháng 5 – 8 hàng năm là ngư dân thôn Nhơn Hội nhộn nhịp ra khơi Hòn Yến, dùng lưới vây đánh bắt thủy sản, chủ yếu là cá cơm. Nhịp sống mưu sinh này trở thành đề tài thú vị dành cho người yêu nhiếp ảnh.
“Hoa lưới” màu xanh trên biển. Nhìn từ trên cao, từng tấm lưới được kéo căng giữa biển, như có sự sắp đặt tài tình của người nghệ sĩ.
Lưới vây đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, được thả từ tàu và kéo lên tàu. Lưới vây chuyên đánh cá đi thành đàn và chỉ thả lưới đến một độ sâu nhất định. Khi phát hiện luồng cá cơm thì các ngư dân dùng lưới bủa vây bắt cá.
Tàu đang kéo lưới vây. Trong quá trình đánh bắt, hình dạng của lưới vây luôn thay đổi. Từ lúc bắt đầu thả lưới có dạng là một tấm lưới phẳng, đến kết thúc thả có dạng là một hình trụ và khi thực hiện quá trình cuộn rút có dạng hình chóp cầu.
Hoạt động đánh bắt của ngư dân trên tàu với mẻ lưới vây thu hoạch cá cơm. Tàu đánh bắt thường có công suất nhỏ dưới 90 CV (mã lực) nên chủ yếu đánh bắt gần bờ, trên mỗi chuyến tàu gồm 10 – 13 ngư dân.
“Đằng sau những bức ảnh lưới vây này được hỗ trợ nhiệt tình từ ngư dân. Họ thân thiện và gắn bó với nghề. Tôi hi vọng đời sống người dân cải thiện hơn sau những chuyến vây lưới thu hoạch cá cơm” – anh Nhân chia sẻ.
Khi thủy triều xuống thấp, xung quanh Hòn Yến nổi lên những rạn san hô và sao biển đầy màu sắc, hòa với nắng vàng tạo nên khung cảnh biển lung linh.
Bức tranh rạn san hô cạn tựa như “vườn đá nở hoa” có một không hai tại Hòn Yến. Tuy nhiên, đây lại là tài nguyên thiên nhiên nhạy cảm, dễ bị xâm hại. Bước chân của du khách đi trên thềm san hô, tạo thành đường mòn trên đá, có thể làm biến dạng, chết san hô và mất chỗ trú ngụ của các loài sinh vật biển. Do đó, chính quyền địa phương lưu ý các du khách cũng như nhiếp ảnh gia khi ngắm, chụp ảnh san hô lựa chọn vị trí hợp lý và tránh giẫm đạp lên chúng, cần đặt vấn đề bảo tồn san hô lên hàng đầu.
Sau khi khám phá Hòn Yến, du khách có thể “kết nối” với các danh thắng và di tích lịch sử khác dọc tuyến đường ven biển Phú Yên như Ghềnh Đá Đĩa, Cù lao Mái Nhà, đảo Hòn Chùa, Bãi Xép, Bãi Môn – Mũi Điện và Vũng Rô.