Sáu ngày ở vùng Nam Tirol, chúng tôi có cảm giác đây chưa phải nước Ý đích thực.
Du lịch Ý ngắm vẻ đẹp miền sơn cước ở Sarentino
Không thấy khách du lịch rầm rập trên các đại lộ thời trang hay đấu trường La Mã. Trong sáu ngày đó, gương mặt Á duy nhất chúng tôi gặp là một phụ nữ gốc Hoa bán pizza. Lạ thật! Rõ ràng đã thấy các đoàn xe biển Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan… kiên nhẫn nhích từng mét trong dãy đường hầm xuyên núi Alps đổ về Sarentino, vậy mà giờ người đi đâu cả rồi?
Trong “đấu trường Alps” trăm triệu năm tuổi
Thì ra, họ bỏ lại ôtô đâu đó trong các nhà nghỉ lưng chừng núi, hoặc ngẫu hứng tắt máy bên vệ đường mỏng lét giữa độ cao hơn hai nghìn mét. Lôi từ toa xe kéo ra xe máy phân khối lớn, xe đạp địa hình hoặc đôi gậy leo núi siêu nhẹ, họ lần lượt mất hút vào dãy Alps sừng sững trước mặt.
Có hai cách tận hưởng nước Ý. Khách từ khắp thế giới thông thường đổ về Roma, Venice, Florencia, Pisa, Milan… ngắm kiệt tác do con người tạo nên. Cả ngàn khách có thể mất dạng giữa các hành lang khổng lồ bên trong đại hí trường La Mã cổ đại thành Rome. Còn những người châu Âu say đắm thiên nhiên, ưa du lịch đôi chút mạo hiểm kiểu trekking lại hướng về vùng Nam Tirol – nơi sở hữu một phần dãy núi Alps lớn nhất, dài nhất châu Âu. Đó là kiệt tác do thiên nhiên tạo nên. Cách nào đến Ý cũng là hưởng thụ niềm vui từ cuộc sống.
Gia đình tôi chọn một khách sạn nhỏ gần thị trấn Sarentino, lúp xúp những quả đồi nhỏ lọt trong lòng thung lũng xanh ngắt tứ bề núi phủ đỉnh mây. Có những chuyển động nho nhỏ trong đại cảnh tĩnh lặng tráng lệ này: thác đổ ra từ hang núi, suối rì rầm dọc cung đường kẻ chỉ, vạt thông lao dọc sườn đồi, ban công gỗ viền bờ hoa dạ yến thảo khẽ rùng mình trong gió và đàn bò chẳng bao giờ béo được khi vừa tìm cỏ vừa cố giữ cân bằng trên vách đá chênh vênh.
Mùi cà phê tỏa ra từ bếp khách sạn là thứ khiến du khách giãn xương cốt nhất trong giờ phút đầu ngày miền sơn cước. Mứt trái cây, thịt hun khói, salami, hạt ngũ cốc, sa lát trộn dầu ôliu bày tràn trên bàn. Đó là cách tính toán dinh dưỡng cho người vận động thể thao nặng kiểu Đức, thiếu ngẫu hứng kiểu Ý. Các nhóm khách Đức thường nai nịt trang phục thể thao bước vào phòng ăn sáng. Họ gọi thêm trứng luộc sơ, ăn ngay khi lòng đỏ còn nóng tràn như lớp dung nham mới phun ra từ núi lửa. Đó là dưỡng chất tuyệt vời cho một ngày chinh phục đỉnh Alps trước mặt.
Một số hãng du lịch thường quảng cáo tour kinh tế đến vùng Nam Tirol. Vì giá cả khách sạn và chi phí sinh hoạt khá thấp so với các thành phố nổi tiếng khác của Ý. Ngắm kỹ những bộ đồ thể thao mềm mại như da nhung của khách trọ Hà Lan, dàn xe máy phân khối lớn đắt hơn xe hơi vừa lướt qua đường, vài chiếc xe đạp địa hình giá mềm nhất cũng dăm bảy nghìn euro của mấy thiếu niên Đức dựng trước cửa khách sạn, ai dám bảo khách đến đây vì ham giá rẻ?
Đôi mắt Sarentino biển hồ đầy
Nói rằng ở Sarentino không có pizza thì hơi oan. Làm sao đến Ý lại không ăn pizza cho được. Người phụ nữ gốc Hoa chúng tôi gặp ngay đầu thị trấn Sarentino treo biển pizza nhưng bán kem là chính. Pizza trong một quầy như vậy có vẻ công nghiệp quá.
Nào, chỉ miếng pizza nhỏ thôi, nhưng từ một bếp nướng bằng than củi, thơm nức mùi bột bánh tươi mới quyện khói gỗ, nước sốt cà hòa pho mát nóng bỏng tay. Không, chúng tôi không có pizza, dĩ nhiên spaghetti luôn sẵn sàng – giọng Đức khô khan cất lên từ miệng bà chủ một nhà hàng cổ kính. Nhà hàng thiết kếấm áp như bếp ăn gia đình nằm trong khuôn viên biệt thự cổ, sân trước rực dạ yến thảo, vườn sau hoa bông tuyết đùm đề bung tròn, vươn ra từ thân gỗ rỗng.
Thực đơn cũng không có pizza trong một quán ăn chiếm trọn quả đồi tròn hình nón, đón những đoàn khách phóng xe máy phân khối lớn đường trường bạt gió vào nghỉ ngơi trên dãy ghế dài ngoài trời bồng bềnh ru ngủ. Nhưng cá suối, bò núi và gà đồi chắc thịt luôn là một trải nghiệm ẩm thực kiểu Âu thú vị ở đây.
Những ngày đi dạo thị trấn Sarentino, tôi băn khoăn không hiểu người dân sống bằng nghề gì. Nghề du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch. Hẳn rồi. Nhưng làm du lịch mà không bị cuốn vào vòng xoáy rầm rập chân khách, bạc màu thành quách như nhiều vùng rốn du lịch khác. Kỳ diệu thay lũ dê vẫn được thả rông dạo phố. Siêu thị, cửa hàng mặc sức chìm vào giấc ngủ trưa kéo dài đến hai – ba giờ chiều mới lại thong thả bày hàng. Người Sarentino không vội. Khách du lịch cũng mơ mơ màng màng. Trước vẻ đẹp của sơn nữ Sarentino, hồn du khách hình như đã bị cuốn theo đôi mắt biển hồ mênh mông của nàng rồi.
Ít thấy thanh niên trong thị trấn. Người trung niên và cao tuổi thường có cùng màu trang phục. Những chiếc tạp dề còn vương bào gỗ, đôi giày vải dính len cừu, ngón tay thô xước xác vươn ra đón lấy ly cà phê nổi bọt kem nâu óng. Nhà báo Beppe Severgnini nổi tiếng người Ý nói đúng, cần có một đạo diễn tài ba để lãnh đạo nước Ý, bởi mỗi người dân là một nghệ sĩ.
Một khúc gỗ nhỏ cũng có thể biến thành hình hài Chúa trên cây thánh giá, vài cành thông khô vặn mình trong lồng đèn lấp lánh, len lông cừu đã lên hình mũ, giày, túi, khăn mịn màng, lũ ngỗng vươn cổ bắt nạt khách hẳn có lý do gây gổ bởi những vỏ trứng tròn cứng của chúng vừa được bà chủ vẽ thành tác phẩm trang trí mùa Phục sinh…
Anh hùng sau vườn nhà
Người Ý chỉ có một thứ ngôn ngữ, đó là opera. Còn người ở Sarentino kiêu kỳ đến nỗi, tờ rơi quảng cáo, sách báo, trang web cũng chỉ tiếng Ý và Đức, không hội nhập tiếng Anh. Ở trọ đã gần một tuần nay, chủ nhân cũng để mặc chúng tôi sáng sáng biến mất và chỉ trở về vào chiều muộn, khi chân đã mỏi bụng đã đói. Gần ngày về, họ mới chịu nở nụ cười, hỏi han: “Các vị đã thấy anh hùng trong vườn nhà chúng tôi chưa?”.
Từ khung cửa sổ rực màu xanh của cỏ, thông, xám màu đá và vàng màu nắng hè ấy, khách chỉ ra đó tranh thủ hong quần áo đẫm mồ hôi, hút dăm điếu thuốc, nghe ngóng xem hôm nay mưa hay khô ráo để lại lên đường…, chưa có lúc nào kéo ghế ra ngồi thảnh thơi ngắm nghía.
Nghe chủ nhà nói vậy, tôi về phòng, còn ngồi ngay trên giường, hướng ra ban công đã phát hiện một gốc cây giữa ngọn đồi, một băng ghế nhỏ, một bảng đá đen. Lật đật xuống cầu thang, đi men con đường dốc nhỏ bên phải khách sạn, băng qua vườn rau xà lách nhỏ, kiềm chế dừng lại trước chiếc võng mắc trên lạch nước chảy róc rách suốt ngày đêm, thẳng tiến đến bảng đen kỳ lạ kia. Một di tích lịch sử khiến chủ nhân tự hào ngấm ngầm, không cần phải nói ngay trong ngày đầu khách đến, cũng chẳng đưa lên những dòng quảng bá về khách sạn trên trang web.
Bất cứ khách lữ hành nào mải leo các đỉnh Alps kia có mỏi gối chùn chân, chợt thấy chiếc ghế trong không gian mát lành này hẳn cũng muốn dừng bước, ngồi nghỉ. Rồi họ bỗng thấy bên phải mình, phi công Mỹ có tên William O. Wisner đang nở nụ cười bên chú chó nhỏ. Ngày 20-10-1944, thế chiến thứ hai đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, máy bay của Wisner đã rơi xuống khu vực này. Anh hùng ngủ một giấc dài trong lòng Sarentino suốt 56 năm.
Mới 2010 gần đây thôi, người dân ở Nam Tirol đã tìm ra, cùng gia đình mang anh trở về Mỹ. Không cần tạc tượng đài, không đặt hoa hay thắp nến, chỉ cần kê một băng ghế gỗ để nghỉ chân, tấm ảnh Wisner bên chú chó nhỏ in vào bia đá đen, thế là anh hùng dung dị giữa đời thường tiếp tục được ở lại Sarentino theo cách của Sarentino. Di sản nghệ thuật của Ý thuộc loại nhiều hàng đầu thế giới. Nhưng có cách ngắm di tích lịch sử kiểu Sarentino thật dễ đi vào lòng người. Ấy là buổi sáng thức dậy, mở cửa sổ ra đã thấy anh hùng mỉm cười ngay trong vườn nhà.
Theo Thế Hương/Doanh Nhân Sài Gòn