19-01-2024 17:13

Vãng cảnh Huyền Không Sơn Thượng

Vãng cảnh Huyền Không Sơn Thượng

Cách thành phố Huế khoảng 15 km, Huyền Không Sơn Thượng là chốn yên bình cho những ai muốn tạm xa phố thị.

Vãng cảnh Huyền Không Sơn Thượng

huyen-khong-son-thuong-ivivu-1

Khuôn viên chùa Huyền Không Sơn Thượng có nhiều tượng Phật và các bức thư pháp được khắc lên đá. Ảnh: Ngân Dương.

Huế được xem là vùng đất của những ngôi chùa, trong đó có những chùa cổ lịch sử lên đến hàng trăm năm. Huyền Không Sơn Thượng (hay còn gọi là Huyền Không 2) nằm ẩn sâu trong khu rừng thông xanh tươi khoảng 50 ha, bao quanh bởi những dãy núi, đường vào uốn lượn quanh co nên ít được du khách biết đến. Được xây dựng vào năm 1989, chùa hiện tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.

Sau khi du khách vượt qua đoạn dốc cao, ngôi chùa hiện ra với phong cảnh hài hòa như bức tranh thủy mặc. Không gian ở đây yên tĩnh, âm thanh duy nhất nghe được là tiếng côn trùng kêu lao xao và chim hót líu lo.

Khuôn viên chùa bao gồm Ngoại viện và Nội viện. Trong khi Nội viện được dành hoàn toàn cho sự tĩnh tu, Ngoại viện là nơi sinh hoạt, thờ cúng, tham quan…, nơi du khách có thể tham quan gồm có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường, Tĩnh trai đường, Tăng xá, cây cảnh, giàn phong lan và các công trình phụ.

Các công trình chủ yếu được làm từ gỗ, đơn giản, hài hòa với thiên nhiên. Chánh điện mượn cốt một ngôi nhà rường Huế, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, lợp ngói vảy cá – mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt. Đi tiếp lên trên các bậc thang đá, du khách sẽ đến tháp chuông, nơi có thể nhìn toàn cảnh ngôi chùa từ trên cao.

Vì chùa nằm trên núi cao, cây rừng và hồ nước bao quanh nên không khí ở đây ôn hòa, dễ chịu quanh năm. Khu vườn xanh mát và tràn ngập màu sắc với những cây hoa sứ, sử quân tử, phong lan, vạn tuế, trúc, mai, phượng, tùng… và được đặt nhiều bức tượng Phật.

Các hồ nước trong khuôn viên chùa nuôi bèo, súng, có cầu bê-tông giả gỗ để đi vào đảo. Du khách có thể ngồi nghỉ chân dưới những khóm trúc hoặc chòi tranh giữa hồ để tận hưởng sự yên ả, thanh bình nơi đây. Đồng thời có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, tháp chuông lấp ló giữa núi non hùng vĩ.

Bên cạnh ngoại cảnh đẹp như chốn bồng lai, chùa còn mang giá trị tiềm ẩn của nghệ thuật viết thư pháp và những vần thơ của sư trụ trì có bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Trên cổng vào, các cột gỗ trong Chánh điện, Am mây tía… đều có những câu đối thư pháp Việt như:

“Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,

Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn!”

Những biển hướng dẫn trong chùa cũng dùng những vần thơ nhẹ nhàng đi vào lòng người. Ở bậc tam cấp để giày dép, có tấm biển ghi: “Cảm ơn giày dép bụi đường/ Đúng nơi đúng chỗ thơm hương đi về”. Hay du khách cũng dễ dàng bắt gặp những dòng thư pháp được khắc trên đá hoặc được treo trong khuôn viên chùa.

Cổng vào chùa được viết hai câu đối bằng chữ thư pháp. Ảnh: Ngân Dương.

Cổng vào chùa được viết hai câu đối bằng chữ thư pháp. Ảnh: Ngân Dương.

Nếu có dịp đến Huế, hãy thử dành một buổi sáng sớm đến với chùa Huyền Không Sơn Thượng. Ai đến đây cũng đều muốn nán lại thêm để hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không gian yên bình, tĩnh lặng.

“Quãng đường đến chùa dù hơi khó đi, nhưng tôi có thể nhìn ngắm phong cảnh rừng núi, đồng lúa xung quanh rất đẹp. Cảnh sắc trong chùa hòa hợp với thiên nhiên, khiến tôi cảm thấy thư giãn, thanh tịnh”, chị Kim Yến, một du khách chia sẻ.

Du khách có thể kết hợp tham quan chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không 1 trên cùng một tuyến đường để tiết kiệm thời gian. Để đến Huyền Không Sơn Thượng, du khách đi qua chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ, đi khoảng hơn 1 km nữa rồi rẽ phải vào thôn Đồng Chầm. Từ đây, đi tiếp khoảng 500 m, đường sẽ cắt ngang qua đường quốc lộ, đi thẳng sẽ thấy cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng làng 200 m, nhìn bên phải có một tấm biển chỉ dẫn lên chùa viết bằng thư pháp. Theo lộ trình này khoảng 3 km nữa là đến nơi.

Đánh giá