Ngư dân dùng dây buộc cổ từng con chim cốc để chúng không ăn cá bắt được.
Tuyệt kỹ dùng chim bắt cá của người Nhật Bản
Giữa màn đêm của thành phố Gifu, Nhật Bản, vài người đàn ông đang ngồi ven dòng sông Nagara với những con chim cốc. Dưới ánh lửa bập bùng, họ hiện lên như người đến từ thời đại khác trong trang phục truyền thống, tay điều khiển đàn chim như những con rối. Họ đang chuẩn bị cho nghi thức ukai – nghệ thuật đánh cá bằng chim cốc vào ban đêm.
Tuy không hiệu quả nhất, ukai lại là loại hình đánh bắt nghệ thuật nhất, từng phổ biến khắp các làng chài ven sông Nagara, Hozu và Uji. Nghề này tồn tại từ khoảng 1.300 năm trước. Tương truyền, tướng quân Oda Nobunaga thời Chiến Quốc từng bảo trợ các ngư dân, phong cho họ chức vụ chính thức và danh hiệu usho, tức chuyên gia đánh cá bằng chim cốc.
Ở tuổi 46, Shuji Sugiyama là usho trẻ nhất vùng Gifu. Anh ngồi yên lặng trên một phiến đá ven dòng Nagara đen như mực trong đêm tối, không để tâm tới tiếng trò chuyện của những người đi cùng.
Hàng trăm năm trước, nghề ukai nở rộ. Nhưng từ khi có giấy phép dành cho các chuyên gia đánh cá bằng chim cốc của hoàng gia vào năm 1890, nghệ thuật này dần mai một do usho chỉ được cấp phép nếu có quan hệ máu mủ với một bậc thầy đời trước. Tới nay còn rất ít usho trên khắp Nhật Bản, và chỉ 9 người có giấy hành nghề của hoàng gia – trong đó có Sugiyama.
“Chính vì chúng tôi, những người đàn ông và đàn chim cốc, sống cùng nhau, nên mới có thể cùng đánh cá. Ví dụ, tôi sẽ không bao giờ đi bắt cá bằng chim cốc của một usho khác”, anh nói khi đang xem cổ họng của những con chim, chuẩn bị cho chuyến đánh cá đêm.
Sugiyama thừa hưởng nghề từ cha, theo ông đánh cá cho đến khi có giấy phép chính thức vào năm 2002. Năm thế hệ của gia đình anh đã theo nghề này.
Mùa đánh bắt diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng ngư dân phải chăm sóc đàn chim quanh năm cho đến khi chúng chết đi. Mỗi mùa thu khi những đàn chim cốc di cư qua tỉnh Ibaraki phía bắc Tokyo, ngư dân sẽ bắt và huấn luyện chúng khoảng ba năm. “Tôi thường bắt khoảng 10 con chim và ghép vào đàn, để chúng bắt chước những con già hơn mà học cách bắt cá”, Sugiyama nói.
Một chuyến đánh cá đêm bắt đầu sau khi mặt trời lặn. Usho sẽ đưa đàn chim đi qua các con hẻm dẫn ra bờ sông. Họ mặc trang phục truyền thống gồm áo xanh sẫm, mũ cói để che tro than bay từ đèn lồng đánh cá Kagari-bi, váy rơm dài để chắn nước và sương lạnh, dép cắt đế cho lộ gót chân để chống trượt. Các usho sẽ bốc thăm để chọn thứ tự thuyền ra vào khúc sông có cá.
Đàn chim cốc được buộc lại với nhau bằng sợi thừng, quanh cổ từng con bị thắt dây để chúng không thể ăn cá lớn. Vòng dây nới vừa đủ để lũ chim ăn được cá nhỏ hơn và gỡ bỏ hoàn toàn khi kết thúc chuyến đánh cá đêm. Chim cốc có khả năng săn cá tuyệt hảo, lập tức giết chết mồi bằng cặp mỏ sắc như dao cạo.
Khi một con chim cốc bắt được mồi và nổi lên mặt nước, usho sẽ lấy cá từ họng và thả nó lại xuống sông để tiếp tục đi săn. Tới đỉnh điểm của màn bắt cá So-garami (Cuộc đuổi bắt cuối cùng), những con thuyền sẽ dồn đàn cá hương đến vùng nước cạn. Lúc này cả một khúc sông tràn ngập tiếng chim kêu, ngư dân la hét và tiếng gõ nhịp nhàng của mái chèo đập vào mạn thuyền.
Vào cuối mùa cá hương, Sugiyama có thể xả hơi một chút, nhưng anh không mong mình ngơi tay sớm. “Tôi có một cậu con trai vẫn đang học tiểu học. Tôi có cảm giác nó bắt đầu hứng thú với công việc của mình. Thằng bé thấy tôi với đàn chim cốc mỗi ngày, hy vọng ngày nào đó nó sẽ nối nghiệp tôi”, Sugiyama kể.
Cá do chim cốc bắt được gần như không thể bán lấy tiền. Các usho sống chủ yếu dựa vào trợ cấp từ chính quyền địa phương, biến nghề này thành một nghệ thuật thu hút khách du lịch. Họ hy vọng một ngày nào đó ukai sẽ có trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
“Đánh cá bằng chim cốc là điểm thu hút đông khách du lịch nhất mà chúng tôi có ở thành phố Gifu, hơn 100.000 người đến đây hàng năm để chiêm ngưỡng, và lượng khách đang tăng lên”, Kazuhiro Tada, trưởng phòng du lịch của thành phố, cho hay.
Nhật Bản công nhận bộ 122 dụng cụ đánh cá bằng chim cốc là tài sản văn hoá vật thể dân gian quan trọng, còn nghệ thuật ukai là tài sản văn hoá phi vật thể quan trọng của tỉnh Gifu. Tiếng “ho-ho” của các usho hò lên để kích thích đàn chim cốc và tiếng gõ vào mạn thuyền cũng có tên trong danh sách 100 âm thanh tuyệt vời nhất ở xứ sở mặt trời mọc.
Hiện khách du lịch ngồi thuyền xem ukai tại Gifu từ 11/5 đến 15/10 hàng năm, trừ Tết Trung thu và những ngày nước sông dâng quá cao. Giá vé 3.400 yen (hơn 700.000 đồng) một người lớn, vé trẻ em bằng một nửa. Chuyến ukai có các khung giờ vào 18h15 các ngày trong tuần, 18h45 ngày thường và 19h15 vào cuối tuần hoặc dịp lễ.
Ukai không chỉ có ở Nhật Bản, nghệ thuật đánh cá cổ truyền này hiện còn tồn tại ở Trung Quốc với những ngư dân trên dòng Lệ Giang.