Mukhalinga làm từ đá sa thạch là hiện vật duy nhất được phát hiện ở Việt Nam, diễn tả vũ trụ luân hồi trong văn hoá Chămpa cổ.
Tượng sinh thực khí 1.300 tuổi ở bảo tàng Mỹ Sơn
Pho tượng Mukhalinga nằm giữa phòng trưng bày của bảo tàng Mỹ Sơn, phía cổng vào khu di tích thánh địa Mỹ Sơn. Theo giới thiệu của bảo tàng, hiện vật này có niên đại khoảng thế kỷ 7 – 8, cao 126,5 cm gồm ba phần tròn, bát giác, vuông. Mukhalinga Mỹ Sơn được đánh giá là kiệt tác của nền điêu khắc Chăm, mang tính chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng.
Bức tượng được gọi là Mukhalinga thay vì Linga bởi phần đầu của biểu tượng sinh dục nam nhô ra chiếc đầu của thần Shiva, được tạc liền khối cao 23 cm, rộng 13,5 cm và búi tóc cao 5,5 cm. Mukhalinga này là tác phẩm duy nhất ở Việt Nam.
Đầu tượng nhìn từ góc cắt ngang 90 độ. Theo quan niệm của người Chăm từ hàng nghìn năm trước, Shiva là vị thần tối cao tượng trưng cho sự huỷ diệt. Vị thần này thường được thể hiện qua hình ảnh trừu tượng là Linga (bộ phận sinh dục nam). Người Chăm thờ Linga – Yoni (bộ phận sinh dục nữ) trong các ngôi đền.
Mukhalinga làm từ khối đá sa thạch màu vàng nâu, các hạt liên kết to và đường vân lạ mắt. Hình dáng Mukhalinga mô tả về nguyên lý luân hồi của vũ trụ. Trong đó phần vuông dưới cùng là thần Brahma, tượng trưng cho sự sinh thành; phần bát giác ở giữa là thần Vishnu, tượng trưng cho sự tồn tại; phần trụ tròn trên cùng là thần Shiva, tượng trưng cho sự huỷ diệt.
Vết vỡ phía sau tượng Mukhalinga. Hiện vật được phát hiện vào tháng 11/2012, sau một trận mưa lớn, cách ngôi đền E4 khoảng 10 m về phía đông tại khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Mukhalinga Mỹ Sơn đã được xếp hạng là bảo vật quốc gia năm 2015.
Khu vực phát hiện Mukhalinga ở nhóm E, quần thể có niên đại sớm nhất tại Mỹ Sơn. Những khu đền, tháp ở di tích Mỹ Sơn được ký hiệu bằng chữ, số để phân loại nghiên cứu và hướng dẫn tham quan. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng đây chính là linga trên đài thờ Mỹ Sơn E1 và được nhắc đến trong các văn bia Chăm tìm thấy tại khu di tích Mỹ Sơn. Mỹ Sơn E1 là ngôi đền duy nhất còn giữ được những yếu tố kiến trúc, điêu khắc đầu tiên của nền nghệ thuật Chămpa thế kỷ 7-8. Hiện nay đền đã bị sập hoàn toàn, chỉ còn lại phần đế trang trí của đài thờ hiện trưng bày tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cùng một số phế tích.
Bên cạnh Mukhalinga, bảo tàng Mỹ Sơn còn trưng bày nhiều hiện vật điêu khắc của khu di tích như các bia đá, tượng cổ… Trong ảnh là một đỉnh tháp làm bằng đá sa thạch có niên đại từ thế kỷ 10 của ngôi đền A1, công trình cao 28 m được đánh giá là kiệt tác tiêu biểu vào thời hoàng kim của Chămpa.