Mục lục
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Núi Cấm – An Giang và tượng Phật nhập Niết Bàn trên đỉnh núi Tà Cú – Bình Thuận vừa được xác lập kỷ lục châu Á vào ngày 02/03/2013.
Theo thông tin mới nhận của đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam từ Faridabad Haryana và thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập 2 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam vào 9 giờ sáng thứ 7 ngày 2/3/2013. Đó là tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á (Núi Cấm – An Giang) và tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á (núi Tà Cú – Bình Thuận).
Dự kiến, cuối tháng 4, đại diện Tổ chức Kỷ lục châu Á sẽ trực tiếp đến Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) để tham quan hai địa điểm tọa lạc tượng Phật ở trên, đồng thời sẽ trực tiếp tiến hành trao bằng xác lập kỷ lục châu Á.
1. Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất được xác lập kỷ lục Việt Nam vào ngày 2/1/2006. Tượng được đặt trên núi Thiên Cấm Sơn (cao 710m so với mặt nước biển), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí.
Phật Di Lặc (thuộc chùa Phật Lớn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tọa lạc uy nghiêm, thanh thoát giữa không gian núi rừng. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và chiếc bụng to đặc trưng của Ngài.
Tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu của tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép, trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2ha.
2. Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á
Pho tượng Phật nhập Niết bàn (trên đỉnh núi) dài nhất, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 2/1/2006, an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên Núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Pho tượng được tạo tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, an nhiên gối đầu lên tay. Công trình bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng có tổng thể chu vi 832 mét, tượng trưng đầy đủ hình tứ thánh lục phàm và thất chúng Phật tử. Đức Phật dài 49 mét tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m, cao từ vai xuống là 12,2m.
Nguyên liệu để tạo nên pho tượng là bê tông cốt thép do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966. Bên dưới tượng là những tam cấp được nối kết bằng những đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ.