Trường Quốc học Huế là trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế. Đây là ngôi trường mà Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng bí thư Trần Phú, tổng bí thư Hà Huy Tập, thủ tướng Phạm Văn Đồng… từng theo học.
Trường Quốc học Huế – Cái nôi của nhiều hiền tài quốc gia
Lịch sử trường Quốc học Huế
Nằm bên sông Hương thơ mộng, trường Quốc học Huế được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (1896) với diện tích 4.237 mét vuông. Đây là ngôi trường Pháp – Việt của toàn xứ Đông Dương.
Quốc học Huế được thành lập theo chỉ dụ của vua Thành Thái. Lúc đầu, trường chỉ là những dãy nhà tranh, vách đất. Ngày trước đây vốn là trại lính thuỷ quân hoàng gia triều Nguyễn, sau được cải tạo lại.
Đến năm 1915, trường được xây dựng lại kiên cố theo lối kiến trúc Pháp nhưng vẫn giữ được nét Á Đông với màu gạch đỏ sậm. Những dãy nhà tranh được thay thế bằng hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu châu Âu.
Trải qua hơn 125 năm xây dựng và phát triển, trường đã thay đổi nhiều tên gọi khác nhau. Lúc mới thành lập, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường và thường được gọi là trường Quốc học nhằm giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Nho. Sau đó, trường đổi tên thành trung học Khải Định, trung học Ngô Đình Diệm… Đến năm 1956, tên gọi Quốc học chính thức quay trở lại.
Quốc học Huế là ngôi trường mà Nguyễn Sinh Cung theo học trong những năm tháng niên thiếu. Trong kỳ thi Primaire 1908 (tốt nghiệp tiểu học), Nguyễn Sinh Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất trường tiểu học Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của trường Quốc học niên khóa 1908 – 1909.
Tại đây, chàng thanh niên trẻ đã học tập với nhiều giáo viên giỏi có tư tưởng tiến bộ. Tinh thần yêu nước đã khơi dậy cho Bác khát khao tìm hiểu sự thật của “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà thực dân Pháp rêu rao với mục đích mị dân, để từ đó Người đã rời quê hương trong chuyến đi lịch sử tìm đường cứu nước từ cảng Nhà Rồng.
Không chỉ có Bác Hồ, rất nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú đã trưởng thành từ mái trường này như đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng bí thư Trần Phú, tổng bí thư Hà Huy Tập, và còn các nhà thơ đại diện cho nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận…
Trường Quốc học Huế ngày nay
Ngày nay các thế hệ thầy trò trường Quốc học Huế luôn tự hào vì đây là nơi góp phần hình thành, bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo dân tộc đứng lên giành độc lập tự do.
Quốc học Huế là một trong 3 ngôi trường trung học lâu đời nhất ở Việt Nam, sau THPT Lê Quý Đôn (thành phố Hồ Chí Minh) và THPT Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Mỹ Tho). Hiện nay, trường được chính phủ chọn để xây dựng thành một trong ba ngôi trường chất lượng cao của Việt Nam (cùng với trường Lê Hồng Phong tại TP.HCM, trường Chu Văn An tại Hà Nội).
Câu nói nổi tiếng của đại học sĩ Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” hiện nay vẫn án ngữ ở vị trí trung tâm và cao nhất của trường như nhắc nhở học trò về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Nhiều tài liệu gắn với giai đoạn Bác từng học tập vẫn đang được lưu giữ tại nhà lưu niệm về Bác Hồ và phòng truyền thống của trường. Tháng 9/1989, giữa sân trường đặt bức tượng Bác bằng thạch cao và ngày nay đã được phủ đồng để tưởng nhớ.
Tháng 3 – 1990, trường được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2021, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hơn một thế kỷ, ngôi trường không chỉ nổi tiếng với bề dày truyền thống mà còn trở thành cái nôi đào tạo nhân tài chất lượng. Trường Quốc học Huế vẫn luôn là niềm ao ước, ngưỡng mộ của bao học sinh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung.
Trường có rất nhiều học sinh đoạt giải cao ở trong các kỳ thi trong nước và quốc tế như: Hồ Đình Duẩn (giải ba kỳ thi Olympic Toán quốc tế 1978), Lê Bá Khánh Trình (vô địch kỳ thi Toán quốc tế 1979), Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (giải nhì chung kết năm đường lên đỉnh Olympia 2004), Hồ Ngọc Hân (vô địch chung kết năm đường lên đỉnh Olympia 2009)…
Hiện nay, trường Quốc học Huế có hơn 40 lớp học với trên 1.000 học sinh. Hầu hết học sinh đều đỗ đạt vào các trường đại học nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế.