Mục lục
Tour Tết miền Bắc 5N4Đ lần này sẽ đưa bạn du xuân qua nhiều địa điểm hấp dẫn tại Hà Nội, Hà Giang, Lũng Cú, Sapa và Fansipan tràn ngập niềm vui, siêu thú vị.
Tour Tết miền Bắc 5N4Đ: Du xuân Hà Nội – Hà Giang – Lũng Cú – Sapa – Fansipan siêu hấp dẫn
Núi đôi Cô Tiên
Điểm đến đầu tiên trong tour Tết miền Bắc 5N4Đ là núi đôi Cô Tiên hay còn được gọi là núi đôi Quản Bạ – một di tích gồm có hai ngọn núi nằm liền kề nhau tại thung lũng Quản Bạ. Thung lũng này nằm tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50km về phía Bắc. Ngọn núi này đặc biệt bởi nó mang một hình dáng khá tròn trịa, đỉnh núi không nhọn như những ngọn núi kế bên và nó có hai quả núi nằm liền kề nhau. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian vô cùng mỹ mãn với thiên nhiên gần gũi và tràn đầy sức sống. Và đây cũng được xem là “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này.
Cổng trời Quản Bạ
Đây là một địa danh nổi tiếng của Hà Giang với độ cao hơn 1500m cách thành phố Hà Giang khoảng 43 km. Cổng trời nằm ở giữa 2 đỉnh núi và hạ thấp vừa đủ để một con đường chạy qua và cũng chính là đoạn đầu của “con đường hạnh phúc”, cửa ngõ đầu tiên của Hà Giang.
Đường đi lên cổng trời càng cao thì sương mù càng dày đặc. Bạn còn phải vượt qua những khúc cua hẹp, những đoạn đồi dốc mới lên tới đỉnh. Muốn khám phá thêm vẻ đẹp của cổng trời bạn phải leo lên những bậc thang bằng đá nữa.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Nằm ở độ cao trung bình từ 1000 – 1600m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây được xem là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Cột cờ Lũng Cú
Tọa lạc ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc,” di tích Lịch sử quốc gia cột cờ Lũng Cú – biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền tổ quốc Việt Nam, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Lũng Cú có nhiều tên gọi, nhưng theo cách gọi dân dã, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mông, thì Lũng Cú là “Lũng Ngô” (vì theo tiếng Mông, cú có nghĩa là ngô). Còn đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư – nơi rồng ở.
Đường lên cột cờ được xây dựng với tất cả 839 bậc thang, chia thành 3 hành trình. Phía giữa chặng có nhà chờ để khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh, chụp ảnh. Càng lên cao, không gian càng mở rộng với đồi núi xanh rì, những bản làng xen kẽ với những thửa ruộng bậc thang đầy màu sắc.
Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pì Lèng Hà Giang được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đèo Mã Pì Lèng có chiều dài khoảng 20km và nằm ở độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển. Mã Pì Lèng đóng vai trò là cung đường chính nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Đến đèo Mã Pì Lèng, các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ tuyệt đẹp. Không chỉ vậy bạn còn được tìm hiểu về lịch sử của ngọn đèo này, check-in cho ra những tấm hình xịn sò và thưởng ngoạn không gian xinh đẹp tại đây.
Sông Nho Quế
Sông Nho Quế là một trong số những con sông đẹp nhất tại Hà Giang với mặt nước trong xanh khiến ai nhìn vào cũng mê mẩn, dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy giữa những vách đá, tạo thành một đường biên giới màu xanh biếc giữa đèo Mã Pì Lèng và đường Săm Pun. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Chỉ cần đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt xuống dưới phía dưới vực sâu là du khách đã có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông này rồi. Cả dòng sông như một sợi chỉ xanh uốn lượn mềm mại quanh chân núi.
Hẻm vực Tu Sản
Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Hẻm vực Tu Sản được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á với chiều cao vách đá lên tới 700 – 900m, chiều dài tới 1,7 km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh – địa tầng – cổ môi trường, phát hiện tại khu vực của 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Hẻm vực này là sản phẩm của sự kiến tạo kỳ diệu từ hàng triệu năm trước, khi nơi đây còn chìm trong lòng đại dương mênh mông. Trong quá trình thay đổi của vỏ Trái Đất, nước rút đi, bào mòn, để lại di sản địa chất độc nhất vô nhị này cho tới giờ.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn là một địa danh nổi tiếng nằm ở khu vực huyện Đồng Văn. Trong một không gian núi rừng hoang sơ, phố cổ vẫn giữ được vẻ cổ kính vốn có, trở thành địa điểm mà ai cũng nên đặt chân đến trong chặng hành trình chinh phục Hà Giang.
Mặc dù chỉ có khoảng 40 ngôi nhà được xếp ngăn nắp với nhau nhưng khu phố cổ đặc biệt nhất chính là những ngôi nhà đó đều có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Đến đây bạn tha hồ chụp ảnh sống ảo cùng nhiều không gian cổ kính và hoài niệm.
Dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình
Dinh thự vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dinh thự Vua Mèo nằm dưới chân một thung lũng được bao bọc phía trên bằng một vùng đất cao. Với kiểu địa thế này, toàn bộ công trình được bảo vệ bởi những cánh cung núi gọi là “thế mai rùa”, hỗ trợ phòng thủ rất tốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.
Kiến trúc bên trong dinh thự vô cùng độc đáo, là sự kết tinh của 3 nền văn hóa khác nhau như Mông, Pháp và Trung Quốc. Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng.
Núi Hàm Rồng
Đến đây du khách được dịp tham quan vườn Lan 1-2, vườn lê, vườn táo mèo, vườn hoa trung tâm, hòn đá Gãy, cổng trời, đầu Rồng, hòn Cá Sấu, khu Thiên Thách Lâm, hòn Phật Bà, Sân Mây, tháp truyền hình… ngắm nhìn toàn cảnh Sa Pa từ trên độ cao 1.600m và xem biểu diễn văn nghệ trên núi.
Đã đi đến đây rồi, chắc chắn không thể bỏ qua điểm ngắm cảnh đắt giá nhất núi Hàm Rồng là Sân Mây. Cái tên nói lên tất cả, bởi khi đứng tại vị trí Sân Mây, bạn sẽ thấy những cụm mây bềnh bồng dưới chân rất thú vị sẽ là điểm chụp hình lý tưởng dành cho bạn đấy nhé.
Bản Cát Cát
Khu du lịch bản Cát Cát có rất nhiều những điều thú vị và hấp dẫn để cho bạn khám phá như những con đường nhỏ, những ngôi nhà bé xíu, làng nghề thủ công, thác suối, Gem valley bản Cát Cát,.. Có thể nói trung tâm bản là điểm dừng chân nổi bật nhất trong hành trình khám phá bản Cát Cát. Băng qua con đường dốc thẳng đứng được lát đá, cả một khung cảnh tuyệt đẹp sẽ mở ra trước mắt bạn.
Đền Hùng
Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng là nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội đền Hùng thể hiện nét sinh động và truyền thống thiêng liêng cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Chùa Một Cột
Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Ngôi chùa nằm trên con phố cùng tên thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội. Chùa Một Cột đã vinh dự được tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.
Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: cột trụ, đài Liên Hoa, mái chùa. Chùa Một Cột còn từng được in nổi trên mặt đồng xu kim loại 5000 đồng như một hình ảnh đầy tự hào, thể hiện sự duy trì bảo tồn và phổ biến nét độc đáo của chùa Một Cột.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân.
Chùa tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của hồ Tây. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền cổ có mặt từ thế kỷ XIX. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đền Ngọc Sơn đã gắn liền với nhiều giai đoạn phát triển và đổi mới của dân tộc. Ngôi đền này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào năm 2013.
Đền được xây theo kiến trúc hình chữ Tam với tám mái hình vuông, hai tầng, tám cột chống đỡ, ba nếp nhà chính liền nhau. Nhiều người truyền tai, khi mặt trời đứng bóng, tháp Bút soi bóng xuống giữa lòng Đài Nghiên, tạo ra một hình ảnh kỳ diệu, thể hiện độ chính xác kinh ngạc của kiến trúc cũng như tính triết lý của công trình.
Hà Nội 36 phố phường
Trải qua bao thăng trầm của đất thủ đô, những khu phố Hà Nội vẫn đi cùng năm tháng, trường tồn cho đến tận bây giờ, bảo tồn và gìn giữ để trở thành phố cổ Hà Nội trong lòng bao người con đất Việt. Phố cổ mang trong mình một nét rất riêng về đô thị, nơi phồn hoa đông đúc, lúc nào cũng tấp nập người nhưng lại vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của đất kinh kì.
Kiến trúc lại là một nét đặc sắc khác làm nên chất riêng của phố cổ, với lối cấu trúc nhà ống, mái ngói nghiêng cùng mặt tiền là các cửa hiệu chuyên để kinh doanh buôn bán, được xây dựng chủ yếu từ những ngày thế kỉ 18, 19. Về với phố cổ là về với truyền thống của một nghìn năm văn hiến với những giá trị văn hóa còn được lưu giữ trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời.