Mục lục
Mùa xuân ở vùng cao luôn thấm đẫm sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi hoa mận hoa mơ, hay sắc vàng hoa cải trong vườn nhà. Hãy trải nghiệm một mùa xuân lãng mạn như thế trong tour Tết miền Bắc 5N4Đ!
Tour Tết miền Bắc 5N4Đ: Đón Tết vùng cao đầy sắc màu với nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Cổng trời Quản Bạ – Núi Đôi Cô Tiên
Cổng trời Quản Bạ nằm ở độ cao chừng 1.500 m so với mực nước biển, là điểm cao nhất trên cung đường từ thành phố Hà Giang đi huyện Quản Bạ. Đây là một trong những trạm dừng chân thu hút du khách vì từ cổng trời có thể phóng tầm mắt quan sát khắp rừng núi hùng vĩ.
Nếu ví cao nguyên đá là thiên đường thì cổng trời Quản Bạ chính là cánh cổng dẫn đến thiên đường đó. Nổi bật giữa thung lũng bên dưới cổng trời là hai ngọn núi đá vôi có hình dạng như đôi gò bồng đào của người thiếu nữ, được gọi là “Núi Đôi Cô Tiên”.
Chuyện xưa rằng, ở vùng đất Tam Sơn có chàng trai người Mông thổi kèn môi rất hay. Mỗi khi chàng thổi, tiếng đàn vang xa, sâu lắng, trầm bổng và da diết. Tiếng kèn môi cứ thế bay xa theo tiếng gió đưa đến tai của nàng tiên Hoa Đào. Nàng đã vì mê tiếng kèn mà trốn xuống hạ giới.
Hai người phải lòng nhau, rồi nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai. Sau đó Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ thượng giới, Ngài rất tức giận và sai người bắt nàng về. Thương chồng một thân một mình nuôi con, thương con thơ thiếu sữa mẹ nên nàng đã để lại đôi nhũ hoa của mình để chồng tiếp tục nuôi con.
Đôi nhũ hoa của nàng tiên Hoa Đào căng tròn đầy sữa ngọt lành đã nuôi đứa con khôn lớn. Đôi nhũ ấy sau này đã biến thành hai quả núi tròn trịa, đều đặn đến kỳ lạ, đó chính là Núi Đôi Cô Tiên ngày nay.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Tour Tết miền Bắc 5N4Đ sẽ không thể trọn vẹn nếu chưa đến công viên địa chất toàn cầu – cao nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên đá trải dài ở 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Năm 2010, UNESCO công nhận cao nguyên đá là công viên địa chất thế giới đầu tiên ở Việt Nam và thứ 2 ở Đông Nam Á.
Công viên có tổng diện tích tự nhiên 2.356 kilomet vuông, có đến 70% đá vôi lộ diện trên bề mặt. Đây là sự kết hợp ngoạn mục giữa những đỉnh núi cao vun vút và những hẻm vực sâu thăm thẳm, với đỉnh cao nhất – đỉnh Mạc Vạc (cao 1.971m) và hẻm sâu nhất – hẻm Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu lên tới hơn 700m.
Cao nguyên đá là nơi tồn tại dấu ấn qua 7 kỳ biến đổi địa chất của trái đất. Dấu vết biến đổi còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.
Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên phong phú bao gồm các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam và nhiều loài chim bản địa.
Cao nguyên đá còn là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em, hơn 250.000 người. Mỗi đồng bào anh em lại có những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng riêng biệt khiến cao nguyên trở thành khu vực vô cùng đa dạng nhiều sắc màu của các mảnh ghép di sản dân tộc.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nằm trên núi Rồng, là nơi đánh dấu cột mốc chủ quyền phía Bắc của Việt Nam. Xung quanh núi Rồng là các bản người Lô Lô, Mông, Giáy ẩn hiện qua lớp sương. Những nếp nhà tường trình bằng đất, lợp ngói âm dương mang lại một khung cảnh thật yên bình. Bếp lửa từ các gia đình đồng bào không bao giờ tắt đã tạo cho khách đường xa cảm giác ấm áp ở miền biên viễn xa xôi.
Cột cờ được xây hình bát giác với chiều cao 33,15 m, xung quanh thân cột gắn hình tám mặt trống đồng Ðông Sơn, dưới chân cột là tám tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam – một biểu tượng thiêng liêng tạo bao nỗi xúc cảm của du khách.
Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pì Lèng (còn có tên Mã Pí Lèng) là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Ba đèo còn lại là đèo Khau Phạ, đèo Pha Đin và đèo Ô Quy Hồ. Đến đây du khách được trải nghiệm vượt qua đoạn đèo 20km rất hiểm trở. Đèo nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc với thành phố Hà Giang.
Mã Pí Lèng trong tiếng Mông nghĩa là sống mũi ngựa, vì có nơi địa hình dựng đứng như sống mũi của ngựa. Vì vậy năm 1959, hàng vạn thanh niên xung phong đã trải qua bao gian khổ, hy sinh để hoàn thành tuyến đường giúp việc đi lại dễ dàng hơn.
Hẻm vực Tu Sản
Tu Sản được xem là “đệ nhất hùng quan” của vùng cao nguyên đá Đồng Văn với chiều cao vách đá lên đến 700-800m, chiều dài 1,7km, sâu gần 1km. Trải nghiệm thú vị nhất khi đến hẻm Tu Sản là ngồi trên thuyền lênh đênh sông Nho Quế ngắm nhìn vách núi cao dựng đứng và dòng nước trong xanh như ngọc, màu xanh rất đặc biệt không tìm thấy ở những sông suối khác.
Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương là điểm rất độc đáo trong tour Tết miền Bắc 5N4Đ ở xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, được Vua Mèo xây dựng trong hơn 8 năm. Dinh thự gắn liền với cuộc đời của 2 vị Vua Mèo là Vương Chính Đức và con trai Vương Chí Sình. Vương Chí Sình là vị vua theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa khóa 1 và 2.
Dinh họ Vương là công trình đặc sắc và kỳ lạ, là sự giao thoa kiến trúc thú vị, hợp lưu văn hóa một cách tự nhiên, không hề có cảm giác khiên cưỡng. Dinh không to lớn, hoành tráng mà thậm chí còn rất giản dị, gần với kiến trúc dân gian. Đây cũng là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các chức năng: sinh hoạt gia đình, làm việc và pháo đài quân sự.
Bản Cát Cát
Bản Cát Cát là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng để tìm hiểu và khám phá đời sống văn hóa vùng cao. Đây là bản làng thuần dân tộc Mông, hình thành từ giữa thế kỷ 19.
Bản có gần 80 hộ dân nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số nằm rải rác trên sườn núi. Ði mấy trăm mét bậc thang là đến trung tâm bản, nơi hội tụ của ba dòng suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc ngày đêm tung bọt trắng xoá. Gần đó có cầu Si và cầu A Lứ thu hút du khách tham quan chụp ảnh kỷ niệm.
Đến bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào, là lễ hội ngày xuân phản ánh đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào. Trong lễ hội bạn còn được thưởng thức rượu ngô, mèn mén, thắng cố, thịt hun khói Khăng Gai, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị…
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng là tổ hợp các mỏm đá tự nhiên xếp chồng lên nhau tạo thành hình đầu rồng trở thành địa điểm thu hút du khách. Khu du lịch sinh thái Núi Hàm Rồng ra đời bao gồm 3 khu: vườn hoa Hàm Rồng, vườn đá Thạch Lâm, đỉnh Hàm Rồng. Du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Sapa từ trên cao, thích hợp cho những tấm ảnh đẹp.
Khuôn viên khu du lịch sinh thái rộng 48 ha thỏa sức cho du khách khám phá vui chơi. Núi cao 1.850m với rất nhiều vườn hoa tươi rực rỡ, đẹp mắt. Vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo kết hợp, hòa quyện với nhau tạo nên một không gian vùng cao hấp dẫn. Càng lên cao, khung cảnh càng đẹp, du khách phải đi qua những bậc thang đá để lên đến đỉnh núi.
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột còn có tên gọi Diên Hựu hay Liên Hoa Đài, được xây dựng vào năm 1049 đời vua Lý Thái Tông. Trong một giấc chiêm bao, Vua đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm đang tọa trên đài sen và mời nhà Vua lên cùng.
Tỉnh giấc chiêm bao, Vua Lý Thái Tông đã cho xây dựng chùa mô phỏng như trong giấc mơ của mình. Trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu. Đến năm 1954, thực dân Pháp đã đặt mìn phá hủy chùa. Đến năm 1955, chùa Một Cột được phục dựng nguyên trạng.
Chùa hiện nay bao gồm đài liên hoa hình vuông, chiều dài cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m không kể phần chìm dưới đất. Tầng trên của cột là hệ thống đòn gỗ làm giá đỡ đài ở trên. Đài liên hoa mái ngói, góc uốn cong, có lưỡng long chầu nguyệt.
Năm 2022 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2006, được ghi trong danh sách kỷ lục Việt Nam. Năm 2012, tổ chức kỷ lục châu Á đã công nhận chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất. Ngày nay chùa Một Cột vẫn giữ được hồn cốt của Thăng Long xưa, là biểu tượng tiêu biểu của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cả năm ở vùng cao thật tĩnh lặng cho đến khi được đánh thức bởi mùa xuân. Do đó mùa xuân trở thành thời gian thích hợp nhất để khám phá cao nguyên cùng với tour Tết miền Bắc 5N4Đ. Nhanh tay liên hệ để được sở hữu tour với nhiều ưu đãi cùng cách phục vụ chuyên nghiệp!
Theo iVIVU.com