Tạm rời khỏi không khí náo nhiệt của cuộc sống phố thị thường ngày, hành hương đến những ngôi chùa tại Sài Gòn. Bạn sẽ cảm nhận được sự an yên và bình lặng trong chính tâm hồn mình.
Top 14 ngôi chùa tại Sài Gòn cho bạn một hành trình an yên
1. Chùa Vĩnh Nghiêm
Địa chỉ: 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong số những ngôi chùa tại Sài Gòn lâu năm được nhiều người biết đến, một danh lam được xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1971. Ngôi chùa tọa lạc trong một khuôn viên rộng thoáng hơn 6000 mét vuông với kiến trúc mái ngói cong vút, những đường chạm trổ, điêu khắc vô cùng tỉ mỉ.
Trải qua nhiều thập kỷ, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không mất đi nét thanh tịnh, bình yên giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Đây sẽ là nơi lý tưởng để du khách có thể tịnh tâm và hành hương giữa lòng Sài Gòn xô bồ.
2. Chùa Huê Nghiêm
Địa chỉ: 299B Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2 (cũ), thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Huê Nghiêm được xây dựng và ra đời vào năm 1975 do thầy Thích Trí Quảng. Trước khi ngôi chùa được xây dựng thì phần đất chùa hiện tại được dùng để việc sản xuất lúa gạo cho tổ đình Huệ Nghiệm. Sau năm 1975, để cho chúng tăng và Phật tử có chỗ tu tập nên thầy Thích Trí Quảng đã cho xây dựng thảo am và chùa Huệ Nghiêm 2. Đến tận năm 1998 thì ngôi cổ tự này mới chính thức được công nhận.
Điểm nhấn của chùa chính là là bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở trước sân. Bức tượng này cao đến 12m (đài cao 4m, tượng cao 8m) được chạm khắc vô cùng tinh xảo bằng đá hoa cương nguyên khối nặng đến 60 tấn được hòa thượng Thích Tịnh Từ, viện chủ chùa Kim Sơn cúng dường vào năm 2003. Nếu bên ngoài khuôn viên nổi bật với những nét chạm khắc đầy tinh xảo thì ngôi chánh điện độc đáo với lối kiến trúc theo phong cách chùa Việt kết hợp chùa Nhật Bản được cách tân vô cùng tinh tế và hiện đại.
3. Chùa Giác Lâm
Địa chỉ: 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Giác Lâm do một người nhập cư từ Minh Hương (Trung Quốc), tên là Lý Thụy Long sáng lập vào mùa xuân năm 1744. Ban đầu chùa có tên là Cấm Sơn vì tọa lạc trên đồi Cấm Sơn. Tuy nhiên, phải hơn 30 năm sau, sư Viên Quang mới được bổ nhiệm làm trụ trì chùa, sau này có tên mới là Giác Lâm. Từ đó về sau, chùa Giác Lâm đóng vai trò thiết yếu trong việc giảng dạy cho các nhà sư ở Nam Bộ và sao chép, khắc in các sách Phật giáo quan trọng.
Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Chính điện với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột to hơn vòng tay ôm màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu…
4. Chùa Phổ Quang
Địa chỉ: 21 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được xây dựng theo hơi hướng hiện đại. Tuy nhiên bên trong chùa vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm khi được thiết kế với những cột trụ đồ sộ, trang trí bằng những nét chạm trổ tinh tế thời nhà Lý.
Bên trong điện thờ tượng Phật Thích Ca, Phật Quán Thế Âm và nhiều vị Phật khác dưới nhiều hình thái khác nhau. Tại khuôn viên chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt trong một quần thể núi non bộ lớn, miệng hang được trang trí điêu khắc nhiều hình đầu rồng rất độc đáo.
Ngoài đại điện còn có lầu Đông, lầu Tây, phòng khách, nhà truyền thống và khu nhà ở của các sư thầy phía trong. Khi ghé đến chùa Phổ Quang, bạn sẽ hiểu được phần nào nét tín ngưỡng thờ cúng của người dân Sài Gòn.
5. Chùa Vạn Phật
Địa chỉ: 66/14 Nghĩa Thục, phường 5, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Đúng như tên gọi, chùa có hệ thống tượng Phật được xếp vào hàng kỷ lục tại Việt Nam. Những bức tượng được bài trí khắp các tầng, trong đó, tráng lệ nhất là chánh điện (còn gọi là đại điện Quang Minh), công trình quy tụ cả tượng nhỏ lẫn tượng lớn như: Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền…
Đặc biệt, đài sen bằng đồng dưới chân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được chế tác công phu, tinh xảo. Trên tường của đại điện là 10.000 tượng nhỏ, được đặt cạnh nhau thật ấn tượng, tạo ra sự độc nhất vô nhị của chùa Vạn Phật.
6. Chùa Giác Ngộ
Địa chỉ: 92 Nguyễn Chí Thanh, phường 3, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Ở điện Phật bày trí trang nghiêm, chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca thiền định. Bàn thờ phía trước thờ nhiều tượng Phật như tượng Thất Phật Dược Sư, Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Di Lặc,…
Chùa Giác Ngộ rất rộng, có tổng cộng 7 lầu và 1 tầng hầm gửi xe, khu vực khuôn viên chùa càng đi vào sâu phía trong lại càng rộng. Trong chùa có thang bộ và thang máy thiết kế ở cả hai bên giúp thuận tiện cho Phật tử khi tới chùa tham gia khóa tu.
7. Chùa Phước Long
Địa chỉ: Nằm trên cù lao giữa sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm đặc biệt của ngôi chùa là có rất nhiều tượng với màu sắc sặc sỡ như Thập bát La Hán, các Bồ Tát, những nhân vật theo tín ngưỡng nhân gian, có cả tượng Tôn Ngộ Không, Đường Tăng… Bên trong chánh điện gồm ba gian với kết cấu chính là gỗ. Màu nâu gụ của gỗ, các cột kèo, mái sơn son thếp vàng càng làm không gian thêm phần cổ kính.
Ngoài ra, hầu hết vật dụng như bàn ghế, tủ thờ, chân đèn dầu, lư nhang… trong chùa cũng đều bằng gỗ. Nhiều nhất có thể kể đến các bộ bàn gỗ được điêu khắc tinh xảo. Nhà chùa dành hẳn một không gian rộng để trưng bày những món đồ này. Đặc biệt, khi đặt chân đến cổng chùa, bạn sẽ nhìn thấy pho tượng Phật nằm dài khoảng 10m rất ấn tượng. Khuôn viên chùa trông khá giống một vườn tượng, trong đó, tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá được đặt chính giữa hồ nước, bao quanh là những con rồng hướng mặt ra sông độc đáo.
8. Chùa Ngọc Hoàng
Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bởi một người Hoa tên là Lưu Minh, rời Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống và làm ăn. Ông là một tín đồ của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo nên muốn xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và chùa Ngọc. Ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn với khoảng 100 bức tượng làm từ bìa cứng mô tả cuộc gặp gỡ của các vị thần với Ngọc Hoàng.
Được xây dựng bởi một người gốc Trung Quốc nên kiến trúc tại đây sở hữu nhiều đặc điểm của quốc gia này. Sử dụng gạch nung trong xây dựng với mái lợp ngói âm dương, bờ nóc, góc mái đều có tượng màu trang trí, đây chính là những điểm nổi bật nhất của phong cách kiến trúc này.
9. Chùa Bà Thiên Hậu
Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Đến với chùa Bà Thiên Hậu ở thành phố Hồ Chí Minh, du khách không khỏi ấn tượng với kiến trúc hình ấn, bao gồm tổ hợp của 4 gian nhà liên kết với nhau tạo thành hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”.
Điểm nhấn của chùa Bà Thiên Hậu là những chiếc nhang vòng cuộn tròn xoắn ốc treo lơ lửng trên cao tạo thành một hình ảnh rất độc đáo và ấn tượng. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua nhẫn, ghi những điều ước hoặc lời chúc của mình vào giấy, sau đó treo lên với vòng nhang để cầu xin bà Thiên Hậu. Một điểm nhấn đặc biệt nữa của chùa là toàn bộ nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ gỗ quý cho đến bát hương, từ phù điêu đến tượng nhỏ. Điều đó phần nào cho thấy chùa Bà Thiên Hậu có vị trí rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
10. Chùa Phật Cô Đơn
Địa chỉ: 22 Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay chùa được tu sửa khá nhiều nhưng vẫn mang vẻ hoang sơ, cổ kính – đặc trưng của những ngôi chùa cổ ở Việt Nam. Cổng tam quan của chùa được xây dựng cao, to và vô cùng trang nghiêm với đường chạm trổ uốn lượn và vô cùng tinh xảo. Khuôn viên chùa được xây dựng trên diện tích 5ha, chính vì thế nơi đây được trưng bày và thờ rất nhiều tượng Phật khác nhau.
Không chỉ là một trong những địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân đến lễ Phật, cầu an, tham quan, chùa Phật Cô Đơn còn là nơi giáo dục và đào tạo Tăng Ni và Phật tử tại thành phố Hồ Chí Minh.
11. Chùa Hoằng Pháp
Địa chỉ: 96 ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa thu hút đông đảo Phật tử Sài Gòn và các vùng lân cận. Cổng tam quan của chùa Hoằng Pháp mang phong cách kiến trúc phương Đông – ngói đỏ, mái uốn cong nhưng gọn gàng hơn. Phía trên, giữa lối vào có dòng chữ “Chùa Hoằng Pháp”. Kiến trúc của cổng chùa là sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại vô cùng độc đáo. Những đường cong được cách điệu có phần góc cạnh hơn những cổng chùa truyền thống. Phía trên mái cổng chùa Hoằng Pháp có hai tầng được lợp bằng ngói đỏ. Mỗi đầu đao được uốn cong mềm mại.
12. Chùa Bửu Long
Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.
Không cần phải đến tận Thái Lan, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc của “xứ sở Chùa Vàng”. Chùa Bửu Long, ngôi chùa có lối kiến trúc Thái độc nhất vô nhị và hiếm thấy nằm giữa Sài Gòn tráng lệ, trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách phương về đây tham quan, lễ Phật.
Chùa Bửu Long vinh dự được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn là một trong 10 công trình Phật giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới. Như một bông hoa rực rỡ giữa khung cảnh nên thơ bên cạnh nhánh sông Đồng Nai hiền hòa, chùa Bửu Long quận 9 trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng xa gần.
13. Chùa Pháp Hoa
Địa chỉ: 870 Trường Sa, phường 14, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Pháp Hoa là ngôi chùa có lịch sử gần 100 năm, hấp dẫn du khách trước tiên bởi kiến trúc độc đáo. Đứng trên cầu Lê Văn Sỹ, bạn đã có thể nhìn thấy ngôi chùa uy nghi, đứng sừng sững bên cạnh kênh Nhiêu Lộc thơ mộng.
Năm 1993 chùa Pháp Hoa được trùng tu và có diện tích rộng lớn với vẻ đẹp hiện hữu như nó là ngày hôm nay. Chính vì vậy, chùa Pháp Hoa quận 3 được xem là cái nôi văn hóa Phật giáo thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh hiện nay. Viếng thăm chùa Pháp Hoa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của chùa, dự lễ Phật Đản và thả đèn lồng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh tịnh của chùa về đêm.
14. Chùa Tuyền Lâm
Địa chỉ: 887 Hồng Bàng, phường 9, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngôi chùa gần 200 năm tuổi này được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ miền Bắc, có đôi nét pha trộn nghệ thuật chùa Trung Hoa. Tổng thể kiến trúc chùa Tuyền Lâm gồm 3 dãy nhà khép kín vuông góc nhau. Mái ngói gồm nhiều tầng màu xanh ngọc, đầu ngói cong vuốt lên hình đầu đao. Chùa được trang trí chủ đạo là sắc đỏ nổi bật, đây cũng là dấu ấn của nghệ thuật mang phong thái chùa Trung Hoa. Tuy chùa được sử dụng nhiều vật liệu xây dựng hiện đại, nhưng nơi đây lại mang đậm nét nghệ thuật chùa cổ.