Tìm đến quán ăn nhà ông Say, khách có thể thưởng thức sợi mì ngon và hoành thánh béo thơm được chế biến công phu.
Tiệm mì gốc Minh Hương hơn 40 năm của gia đình Sài Gòn
Tọa lạc ở đầu một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, tiệm mì của gia đình ông Say đã tồn tại ở Sài Gòn từ rất lâu. Theo ông, tiệm có trước năm 1975, do thân sinh của ông mở bán.
Chủ quán kể, gia đình có nguồn gốc người Minh Hương – tên gọi một bộ phận người Hoa sinh sống từ rất lâu ở miền Nam Việt Nam. Cách nấu của gia đình tuy có phần giống người Việt nhưng hương vị đặc trưng không thể nào khác được. Trong ảnh là mặt trước chiếc xe đóng bằng gỗ để kê các vật dụng nhà bếp mà hầu như các quán ăn người Hoa đều sử dụng.
Ông chủ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn sức khoẻ tốt. Nhanh tay đưa những miếng hoành thánh đã được đơm nhân sẵn vào nồi nước, ông kể, trước giờ quán bán ở đúng một địa chỉ. Đây cũng là nơi sinh sống của gia đình. “Nhà đã nhiều lần sửa sang nhưng quán vẫn hệt như ngày xưa. Tôi vẫn giữ chiếc xe để đồ nấu nướng”, ông nói.
Trước khi mở cửa đón khách mỗi ngày, gia đình tự tay chuẩn bị các nguyên liệu từ sợi mì, hoành thánh cho đến rau, thịt ăn kèm. Quán không chỉ phục vụ bữa sáng mà còn bán cả ngày.
Thực đơn của quán có gần 10 món, xoay quanh mì và hoành thánh kèm xá xíu. Suất ăn mang ra luôn có một chiếc bánh phồng tôm giòn rụm bên trên để ăn kèm.
Sợi mì của quán cũng được gia đình làm mỗi ngày. Khách nên dùng ngay sau khi món ăn được dọn ra, vì nếu để lâu, mì ngấm nước lèo, trở nên bở và mềm.
Tương tự, vỏ hoành thánh cũng trở nên mềm nếu để lâu trong tô. Nhân của hoành thánh sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng khi được nêm nếm vừa vặn, thơm mùi tiêu. Mỗi suất ăn có giá dao động từ 30.000 đồng.
Lọ giấm và xì dầu là hình ảnh quen thuộc trên bàn của quán Hoa để khách nêm nếm. Giấm ở địa chỉ này hơi hăng, nếu không quen dùng bạn sẽ thấy món ăn mất ngon nếu cho quá nhiều. Nhiều khách chỉ pha ra chén nhỏ để chấm thịt.