Về miền Tây ngoài thưởng thức vị chua của trái bần, du khách còn được nếm vị chua chua chát chát đến từ trái cà na mùa nước nổi hay còn gọi là trái trám trắng, kí ức một thời của rất nhiều người dân nơi đây.
Thưởng thức cà na mùa nước nổi miền Tây
Cà na mùa nước nổi tại miền Tây còn có tên gọi khác là cây trám trắng. Trái cà na có hình thoi, màu vàng xanh nhạt, hạt cứng, 2 đầu trái nhọn, thường cà na trổ bông vào khoảng tháng 6-7 âm lịch và kết trái vào khoảng tháng 9-10. Khi còn non, cà na có màu xanh mướt và ngả về vàng nhạt khi đạt đến độ chín. Mùa lũ về, người dân miền Tây lại cùng nhau thu hoạch cà na để chế biến thành nhiều món cực kì hấp dẫn. Người ta dùng thanh tre dài, rung lắc cho chúng rơi xuống rồi nhặt về rửa sạch.
Đối với những ai thích ăn chua, cà na chấm muối ớt luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Chỉ cần đập hơi dập quả rồi chấm cùng muối ớt, vị chua chát cùng vị cay the chực trào cũng làm người ta say mê. Lấy một trái cà na chấm muối ớt cay cho vào miệng, chậm rãi thưởng thức hương vị chua thanh và mằn mặn hòa quyện vào nhau thì không gì tuyệt vời bằng.
Với nhiều người không ăn được chua thì có thể làm cà na ngâm chua ngọt. Cà na khi ngâm chua ngọt, thịt sẽ mềm hơn, giảm được độ chua, ăn vào sẽ cảm nhận được vị chua chua ngọt ngọt, có thể chấm thêm một ít muối ớt cho ngon miệng hơn.
Với những tín đồ hảo ngọt, không thể bỏ qua món cà na ngào, những trái cà na được ngào với đường sẽ có một màu đỏ vàng bên ngoài trông như kẹo hồ lô, ăn vào không cảm giác được vị chua chát mà lại vô cùng thơm và ngọt, khiến ai ăn hoài ăn mãi vẫn phải phát nghiện với món ăn này.
Có thể thấy cà na có rất nhiều cách chế biến, mỗi món có vị riêng dễ gây nghiện cho những ai đã thưởng thức qua và đây cũng là món ăn thú vị cho những tín đồ ăn vặt. Tuy không cầu kì về hình thức, nhưng cà na đã trở thành món ăn dân dã của miền Tây tạo ấn tượng khó phai trong lòng thực khách.
Theo iVIVU.com