Trên đường tới miệng núi lửa, càng lên cao, chúng tôi càng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ, biển cát, mây trời và khói bốc lên từng đợt.
Thưởng thức ‘đặc sản cát bụi’ ở núi lửa Bromo
Đất nước Indonesia nổi tiếng với đảo Bali, nhưng vì đã đi biển nhiều, chúng tôi quyết định chọn đến núi lửa Bromo ở Đông Java.
Từ sân bay quốc tế Juanda thuộc thành phố Surabaya, nhóm chúng tôi mất thêm gần 5 tiếng để di chuyển đến Bromo. Càng lên núi cao, không khí càng lạnh, ánh đèn cũng thưa dần. Nhiều đoạn chỉ có ánh đèn từ xe phát ra. Hai bên tối đen như mực, một bên là vực, một bên là nhà dân.
Các hàng quán ở Bromo đóng cửa khá sớm, nên khi đến nơi, lang thang một lúc chúng tôi mới tìm được một hàng bán Bakso – món mì bò viên nổi tiếng của Indonesia – vẫn còn mở cửa.
Chúng tôi thuê tour của Bromo Adventure Land – tour có hướng dẫn viên riêng và lái xe riêng cho nhóm, đi theo hành trình 5 ngày 4 đêm mà chúng tôi định ra, với chi phí khoảng 8 triệu đồng/ người.
3h hôm sau, trời vẫn còn nhá nhem tối, chiếc xe jeep đã đỗ ở trước cửa khách sạn để đón chúng tôi. Nơi đầu tiên hướng dẫn viên Ian đưa chúng tôi đến là đồi King Kong, nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp.
Ánh đèn mập mờ chiếu lên những chiếc xe jeep chạy bon bon trên cát trắng khiến tôi có cảm giác đang lạc ở sa mạc, chứ không phải Bromo nữa. Gió thổi mạnh, lạnh buốt và cũng phải chờ một lúc nữa mặt trời mới lên, nhóm quyết định dừng chân ở một lán nhỏ để uống cốc trà sữa Tee Ta Rik cho ấm người.
Do sương mù dày đặc, anh hướng dẫn viên tên Ian đưa chúng tôi nhanh chóng xuống một nơi thấp hơn, nhưng chắc chắn ngắm được mặt trời mọc, đó là Love Hill. Từ đây, dù chỉ nhìn thấy Bromo phía xa xa, chúng tôi ai nấy đều nao lòng.
Trên đường tới núi lửa Bromo, tôi ngỡ mình đang lạc đến Tây Tạng, vì khung cảnh nơi đây giống với những bộ phim tôi từng xem. Đường leo lên không quá khó khăn. Càng lên cao, chúng tôi càng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ, với biển cát, mây trời và khói từ miệng núi lửa đang bốc lên từng đợt. Núi lửa Bromo vẫn hoạt động, nhưng ở mức an toàn cho du lịch.
Đoạn đường trên đỉnh cũng khá hẹp nên muốn đi lại là phải lách tránh những người khác. Đó là buổi sáng tuyệt vời nhất trong những ngày tháng rong chơi qua biết bao nơi của tôi.
“Đặc sản” ở Bromo là cát bụi, vì vậy các bạn đừng quên mang theo khăn để bịt mũi tránh cát khi tới đây.
10h sáng, chúng tôi về đến khách sạn, ăn uống sau đó cả đoàn “lăn ra ngất” vì cả đêm không ngủ.
Khu phức hợp núi lửa Ijen
Ngày tiếp theo, sau khi ngắm bình minh ở đỉnh Seruni và ăn sáng, chúng tôi nhanh chóng dọn đồ để tới khu phức hợp núi lửa Ijen, cũng ở phía đông Java, trên đường ghé qua thác nước Madakaripura. Sau 5 tiếng ngồi xe, chúng tôi đến nơi lúc 18h. Nửa đêm, chúng tôi xuất phát leo núi.
Tôi leo mệt đến nỗi cứ leo 2 phút lại phải nghỉ 5 phút, chưa kể có những đoạn, bạn đồng hành phải đẩy sau lưng cho tôi.
Ở đây có dịch vụ “taxi” để chở du khách lên đỉnh núi. Gọi là taxi nhưng là chiếc xe bò tái chế, có thêm miếng đêm mút cho du khách ngồi. Vì đoạn đường leo dài và khó đi, trung bình để kéo một du khách cần đến 3 người. Đi được một đoạn, tôi đã định bỏ cuộc, và ra hỏi giá taxi. Nhưng sau khi nghe báo giá đến gần một triệu đồng cho một chiều lên núi, tôi quyết tâm tự leo.
Đến chỗ nghỉ giữa chừng, tôi cảm tưởng như mình không còn tí hơi sức nào. Toàn thân rã rời, chân tay bủn rủn, phần vì thiếu ngủ, phần vì mệt, tôi thấy hoa mày chóng mặt.
Trên đường đi lên đỉnh, chúng tôi thuê mặt nạ để tránh khí độc phun ra từ hầm sulfur.
Sau 2,5 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy hồ hiện lên trước mắt. Nước hồ màu xanh vắt, nổi bật giữa núi non hùng vĩ. Đường xuống hồ còn khó đi hơn khi trèo núi.
Mùi Sulfur bốc lên nồng nặc, khói từ hầm làm chúng tôi cay xè mắt. Khói phun theo từng đợt nên chúng tôi phải tranh thủ lúc khói tan để chụp ảnh.