Thời gian qua thác rất ngắn, chỉ vài giây nhưng mình thấy như vài chục phút. Khi mình bị hất ra khỏi thuyền, cảm giác rất ngộp. Nước cuốn mình, vo viên mình, hất, ném, xung quanh đen ngòm… (Lê Hồng Long, một người chơi kayak vượt thác).
SỢ! VÀ PHÊ!
… Siết chặt tay vào mái chèo, tôi bắt đầu ra dòng nước. Đỉnh thác, nước chảy lững lờ nhưng đó chỉ là cái bề ngoài đánh lừa người ta. Ở ngay trước mặt kia là dòng thác nổi tiếng của đất Yên Bái và là thử thách mà tôi cần vượt qua bằng sức mình. Tôi bắt đầu cảm nhận được tốc độ con thuyền tăng lên, tiếng nước ngày dữ dội. Tôi gắng tập trung để đưa con thuyền vào đúng hướng đã định. Bỗng dưng con thuyền như bị hút xuống, mũi thuyền tôi như bị ai đó kéo chúi xuống rồi lại bật lên.
Dòng nước cuồn cuộn đẩy thuyền tôi đi phăng phăng qua bậc thứ nhất. Khi xuống đến bậc thứ hai, dòng nước bị đập vào vách đá dội ngược trở lại tạo thành con sóng hồi rất nguy hiểm. Chỉ một chút sơ sểnh là thuyền sẽ bị quăng vào vách đá hất lật và vùi xuống tận chân thác. Tôi chống mái chèo cố gắng chống không để thuyền bị quay ngang. Ngay lập tức dòng nước đẩy thẳng tôi xuống chân bậc thứ 2. Tại đây dòng nước dồn xuống dội vào đá ở dưới đáy rồi bật lên tạo thành một cuộn sóng cao ngất.
Chiếc thuyền lúc này đã hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của tôi, cột sóng lớn đã hất tôi bay khỏi thuyền dìm xuống dòng nước sâu. Theo phản xạ tự nhiên, tôi nín thở, hai mắt mở lớn dưới nước để quan sát. Những bọt nước ùng ục nổi lên. Những tảng đá lớn màu xám ở dưới đáy, ở trước mặt… tôi thả lỏng người để mặc dòng nước cuốn đi.
Dòng nước tha hồ nhào nặn tôi, hất tôi lên, lại dìm tôi xuống rồi ném thẳng tôi vào đá ngầm. Đầu tôi va vào đá cồm cộp, cả người bị dồn vào vách đá, chân tay tôi bị kéo lê trên đá, rất may do trang bị bọc gối, tay và mũ bảo hiểm nên tứ chi tôi vẫn còn lành lặn. Và rồi bỗng dưng tôi thấy mình bị kéo xuống rất sâu rồi bật lên, tôi không còn thấy sức nặng của dòng nước nữa. Định thần lại, tôi thấy khung cảnh hai bên bờ suối. Tôi thấy đội cứu hộ đang đứng bên mỏm đá, tôi thấy chiếc thuyền của mình đang bị cuốn theo dòng nước. Tôi đã xuống được chân thác! Một sự sung sướng trào dâng, tôi hét vang một tiếng thật lớn.
Cố hết sức tôi bơi theo thuyền và lôi vào bờ… Anh em tíu tít ra hỏi:
– Phê không?
Tôi đáp gọn lỏn:
– Phê!!!
Fisher (Lê Hồng Long) là người đã viết những dòng tường thuật trên sau chuyến đi vượt thác Ngòi Thia (Yên Bái) cùng nhóm Tây Bắc (Taybacgroup.com.vn) – một nhóm bạn ưa phiêu lưu khám phá các miền đất mới.
Có bao nhiêu người chơi ở Việt Nam?
Khoảng 15 – 30 người chơi thực sự
Tốn bao nhiêu tiền để chơi môn này?
1. Có thể mua sơ đồ thiết kế chế tạo kayak trên mạng với giá khoảng 1 triệu đồng, sau đó có tự đặt làm với khung và vật liệu chịu nước.
2. Mua thuyền bơm hơi đi thác (khoảng 20 triệu đồng, sản xuất tại Việt Nam) có phần đáy và hai bên sườn được làm bằng vật liệu bền vững có thể chịu được các cú va chạm và cú rạch của đá sắc nhọn.
3. Thuyền tiêu chuẩn quốc tế có giá khoảng 3.000 USD (khoảng 62 triệu đồng), cộng thêm trang thiết bị đi kèm: áo pháo, mũ, skirt (giống như chiếc váy nên gọi là skirt, người chơi thuyền mặc vào khi chèo, chiếc váy sẽ trùm lên tòan bộ khoang thuyền để tránh nước ngập vào lòng thuyền, đặc biệt là trong điều kiện nước dữ) khoảng 4.000 USD (khoảng 82 triệu đồng) tất cả.
KAYAK VƯỢT THÁC LÀ GÌ? (CÒN GỌI LÀ WHITEWATER KAYAKING)
Những chiếc thuyền kayak đầu tiên được làm ra bởi những người Eskimos. Họ dùng thuyền để đi săn trong các hồ nước hay dọc bờ biển. Chiếc thuyền kayak được làm bằng da động vật và được căng trên khung thuyền bằng gỗ hoặc xương cá voi bằng những mũi khâu.
Môn kayak vượt thác (whitewater kayaking) được định nghĩa là môn chơi kayak trong điều kiện nước chảy xiết, gập ghềnh và thác nước (khác với kayak ở các vùng nước mở rộng ở biển hay hồ gọi là touring).
Kayak vượt thác đem lại cho người chơi cảm giác hưng phấn ở mức cao. “Thời gian rơi thác chỉ vài giây nhưng mình được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc – từ sợ hãi đến mức muốn trì hoãn – quyết định đi tiếp – rơi – sợ hãi – sung sướng, và quá sung sướng đến mức muốn quay lại làm thêm một lần nữa! Vừa sướng, vừa sợ, vừa tự hào” – Lê Hồng Long cho biết.
Một sự hấp dẫn nữa của môn này, đó là được ngắm phong cảnh và lắng nghe những âm thanh yên bình hai bên bờ nước, được trải nghiệm cuộc sống sông nước, biết và thấm thía câu chuyện lịch sử của địa danh nơi họ đi qua. Chuyến đi dọc sông Đà dài 120km kéo dài bốn ngày ba đêm của nhóm vào năm 2010 là một chuyến đi đáng nhớ với tất cả các thành viên nhóm Tây Bắc. Họ được chèo thuyền giữa những vách núi đá sừng sững, ngủ đêm trên chiếc tàu bỏ hoang, nấu ăn bằng nước sông, chứng kiến sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông, mường tượng lại tản văn “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân… Và đó cũng là chuyến đi cuối cùng lưu giữ vẻ đẹp nguyên sơ của sông Đà trước khi toàn bộ khu vực sông nằm trên địa phận Lai Châu cũ bị ngập nước bởi công trình thủy điện. Những bản làng xinh đẹp dọc hai bên sông giờ đây đã nằm dưới nước… Các thành viên trong nhóm kể về chuyến đi một cách quyến luyến, có đôi chút ngậm ngùi.
NHỮNG NGƯỜI RẤT “ĐÀN ÔNG”
Nhóm Tây Bắc có một địa điểm gặp gỡ chung, tại đó họ xây một phòng trưng bày nho nhỏ, trên tường treo những chiếc kayak và mái chèo. Trên các kệ trong phòng là các trang thiết bị dã ngoại cần thiết cho mỗi chuyến đi như áo phao, mũ bảo hiểm, miếng bảo vệ đầu gối, khuỷu tay… Tất cả đồ vật đều đã cũ, mang nhiều kỷ niệm.
Những thành viên tích cực trong nhóm cũng có những điểm chung: khuôn mặt vuông vức, và phong thái điềm tĩnh.
Anh Lê Anh, người đầu tiên đưa môn chơi này đến với nhóm Tây Bắc cho rằng đây là môn chơi của những người thích thách thức, những “anh đàn ông mạnh mẽ”. Đây là một môn nguy hiểm, người chơi có thể bị va vào đá, hoặc bị mắc vào khe đá không ngoi lên được – Lê Anh cho biết.
Sự “mạnh mẽ” còn thể hiện ở thái độ điềm tĩnh, chuẩn bị kỹ càng. Tùng tabalo trầm ngâm: “Chơi mạo hiểm đẩy mình đến một cái ngưỡng mà ở đó đi tiếp hay dừng lại đều là quyết định đúng”. Còn Lê Hồng Long (Fisher) cho đến nay vẫn còn hối hận vì những quyết định bồng bột của mình. Sau khi chinh phục thác Ngòi Thia, vẫn say men chiến thắng và đem theo chút tự mãn, anh và một người bạn cùng đi về phía Nam chinh phục sông La Ngà, vượt thác Mai và thác Trời (nằm giữa Bình Thuận và Lâm Đồng) bỏ qua khâu chuẩn bị.
Sau chuyến vượt thác, Fisher đã học được bài học để đời:
1. Với một chuyến đi nguy hiểm, chỉ hai người là quá ít để hỗ trợ nhau trong những tình huống bất trắc.
2. Lao vào chơi mà không có sự khảo sát, chuẩn bị kỹ càng là liều lĩnh đến mức vô trách nhiệm với chính bản thân mình.
Môn chơi mạo hiểm này làm thay đổi chính những người chơi, khiến họ quyết đoán, bản lĩnh và điềm đạm hơn. Fisher tâm sự: “Trước đây (trước khi chơi kayak vượt thác – PV), nhìn những chuyện nguy hiểm tôi không đánh giá được tác động hay giá trị của nó. Giờ đây thì khác, sau khi đương đầu với nguy hiểm tôi thấy quý sự tồn tại của mình. Sau chuyến đi La Ngà, trước mỗi cuộc chơi, tôi luôn thận trọng trước mọi quyết định của mình, làm sao để không ảnh hưởng đến mình và người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, khi đứng trước những việc mà tôi nghĩ mình sẽ không thể làm nổi, tôi bèn nghĩ đến chuyến vượt thác, từ đó tôi quyết đoán hơn, dám làm hơn”. Bình – một thành viên nhóm đã thay đổi nghề nghiệp của mình qua sự gắn bó với kayak và các môn thể thao. Từ một người làm công việc tổ chức sự kiện ở hãng Mai Linh, anh trở thành một hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm.
Sau nhiều chuyến vượt thác thành công, nhóm Tây Bắc đã tổ chức các lớp học kayak vượt thác cho các bạn trẻ. Họ đã tổ chức được chừng 7-8 khóa học, mỗi khóa 10 bạn.
Vì đam mê được chơi thuyền một cách có tổ chức, bài bản và để quy tụ các nguồn lực hỗ trợ cho môn này, cách đây một năm, Lê Anh cùng một số người bạn đã xin phép thành lập Liên đoàn thuyền Việt Nam – một dấu mốc cho thấy thú chơi của nhóm đã bắt đầu tiến lên một nấc mới – chuyên nghiệp và rộng rãi hơn.
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo Nam.com.vn