Có lẽ đi hết một đời chúng ta vẫn không thể khám phá hết những điều kỳ diệu trên đất nước Việt Nam thân yêu. Đầu năm từng đoàn xe từ Bắc chí Nam nườm nượp nối đuôi nhau về viếng miếu bà Chúa Xứ, nhưng không phải ai cũng có cơ hội khám phá Thiên Cấm Sơn huyền bí và lãng mạn – “nóc nhà” của ĐBSCL.
Du lịch An Giang khám phá Thiên Cấm Sơn huyền bí và lãng mạn
Vẻ đẹp thiên nhiên
Dãy núi nằm gần biên giới Việt Nam – Campuchia này chất chứa nhiều huyền thoại, từng là nơi tạo cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết nên thiên tiểu thuyết nổi tiếng Đất lửa. Tại đây còn có tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á ngồi tươi cười trên đỉnh núi để ban phước lành cho trần thế. Thiên Cấm Sơn có tên gọi dân dã núi Cấm, là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn của tỉnh An Giang, đứng sừng sững giữa đồng bằng như viên tướng khổng lồ trấn thủ vùng biên cương Tây Nam. Thiên Cấm Sơn hợp cùng Cửu Long Giang ở ngã ba sông Hậu và sông Châu Đốc tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình “Tiền Tam giang, hậu Thất lĩnh”. Từ đỉnh núi cao nhất vồ Bồ Hong với 716m, chúng ta nhìn xuống khu vực Thiền viện Phật Lớn giống như một lòng chảo được bao bọc bởi các chóp núi chập chùng kỳ vĩ. Đây là vùng cao nguyên trù phú giữa lòng núi Cấm, phù hợp trồng trọt các loại cây nhiệt đới lẫn ôn đới, quanh năm hoa trái xanh tươi đủ sắc màu.
Xung quanh cái tên núi Cấm có những truyền thuyết khác nhau. Có người cho rằng do chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, trốn lên đây và ra lệnh cấm không cho bất cứ người lạ nào lên núi. Tuy nhiên, xa xưa hơn nữa tên núi Cấm vốn đã xuất hiện, vì nơi đây ít ai dám đến do núi non hiểm trở, âm u, nhiều thú dữ cùng những câu chuyện về các nhân vật siêu hình ngự trị trên các chóp núi. Bên cạnh đó, những lục lâm thảo khấu sau khi chặn người cướp của ở vùng biên giới đã lên ẩn náu tại đây, tung những tin thêu dệt kỳ quái nhằm cấm cản người dân xâm nhập sào huyệt của chúng.
Phương ngữ vùng biên giới Tây Nam gọi các chóp núi là “non” hoặc “vồ”. Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng trong dãy Thất Sơn có 5 non nằm ở núi Cấm, nhưng thực ra còn nhiều hơn. Ngoài 5 non vồ Đầu, vồ Bồ Hong, vồ Bà, vồ Ông Bướm, vồ Thiên Tuế còn có vồ Ông Tà, vồ Chư Thần, vồ Bạch Tượng, vồ Pháo Binh, vồ Sân Tiên… tạo thành thế liên hoàn các chóp núi rất độc đáo. Có lẽ vì vậy núi Cấm vốn còn có cái tên là núi Gấm.
Vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng đã tạo cho Thiên Cấm Sơn trở thành một địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái lẫn tâm linh. Ở phía Đông chân núi Cấm, có Khu du lịch Lâm Viên với đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng. Từ đây theo lối mòn lên núi du khách sẽ gặp ngọn suối Thanh Long thơ mộng có thể tắm mát, lên cao chút nữa đến cửa Sơn Thần đưa lối vào khu bình nguyên chùa Phật Lớn, với động và hồ Thủy Liêm trầm mặc. Khu vực lòng chảo này cũng đã có một số nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách nghỉ qua đêm thưởng thức không gian huyền ảo, lãng mạn về đêm trên đỉnh núi Cấm. Những ngày cuối năm cũ chuyển mình sang năm mới, không khí ở đây từ nắng hanh bỗng sang mát lạnh không khác Đà Lạt hay Tam Đảo, nên thu hút nhiều du khách, nhất là các đôi trai gái đưa nhau lên núi tình tự, thưởng xuân.
Nụ cười an lành của Phật Di Lặc
Hình tượng tươi vui của Phật Di Lặc quen thuộc càng gần gũi, thánh thiện hơn khi chúng ta “gặp” Ngài trong vóc dáng khổng lồ ngồi cười tươi trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Cả dãy núi vốn là nơi “lam sơn chướng khí” bỗng chốc trở nên an lành trước sự xuất hiện của Ngài. Đặc biệt, qua tâm hồn và trí tuệ của nghệ sĩ “giang hồ” Thụy Lam, hình ảnh Đức Phật Di Lặc càng trở nên an nhiên, hiền hậu, từ bi, hỉ xả. Tượng Phật Di Lặc có chiều cao 33,6m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn, được thực hiện từ tháng 2-2004 đến tháng 12-2005. Bức tượng đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc, hài hòa giữa không gian núi rừng với độ cao của tượng. Sự hài hòa còn thể hiện ở từng chi tiết nghệ thuật của bức tượng, từ nụ cười của Phật Di Lặc đến ánh mắt, vành tai, tay, tư thế ngồi, hướng nhìn… Ngày 29-5-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công bố tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất ở châu Á”.
Đứng ở bất kỳ vị trí nào trên Thiên Cấm Sơn, chúng ta cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm và thanh thản giữa không gian xanh ngát, bao quanh núi rừng, soi bóng xuống mặt hồ nước mênh mông. Hồ Thủy Liêm rộng tới 60.000m², chứa 300.000m³ nước, được xây dựng từ năm 2005, với một chiếc cầu dài sơn đỏ bắc ngang qua, có đủ các loài cá do khách thập phương phóng sinh. Tượng Phật Di Lặc khổng lồ cùng chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn hợp thành 3 quần thể kiến trúc soi bóng xuống mặt hồ Thủy Liêm tạo thành bức tranh độc đáo.
Chùa cổ Vạn Linh khi mới dựng đơn sơ gọi là chùa Lá, nằm dưới chân vồ Bồ Hong, nay được xây mới uy nghi bề thế, có tháp Quan Âm Các 9 tầng cao 35m. Còn chùa Phật Lớn là trung tâm khu vực đỉnh núi Cấm, vốn do tu sĩ Bảy Do người Bến Tre xây dựng từ năm 1912. Bảy Do vốn là một nghĩa sĩ yêu nước, cả gia đình đều hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, ông trốn lên đây lánh nạn và xây chùa, thành lập giáo phái Nam Cực Đường thu phục hàng ngàn đệ tử ngày đêm luyện võ tiếp tục chống giặc. Nhưng cuối cùng ông bị quân Pháp bắt và tuẫn tiết trong tù ngục. Ngôi chùa đã bị giặc tiêu hủy, sau đó được các đệ tử dựng lại, cho đến năm 2007 được đầu tư xây thành Thiền viện Phật Lớn hoành tráng.
Mùa xuân lên đỉnh Thiên Cấm Sơn, chúng ta không những thưởng thức phong cảnh sơn thủy hữu tình, không khí trong lành thoáng mát, mà còn được “tắm mình” trong bao truyền thuyết kỳ bí. Thắp nén hương thơm dâng chư Phật và tổ tiên, nghiêng mình trong tiếng chuông ngân giữa chùa cổ uy nghiêm, tâm hồn sẽ thấy thanh thản giữa chốn phiêu bồng. Càng thanh thản hơn khi chúng ta hòa mình trong nụ cười tươi vui của Đức Phật Di Lặc từ đỉnh núi ban phước lành, tình yêu thương đến mọi người, mọi nhà.