Nga Sơn (Thanh Hoá) là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại và cổ tích mãi lưu truyền: Sự tích Mai An Tiêm và quả dưa hấu đỏ, Từ Thức gặp Tiên, chùa Hàn Sơn, cửa Thần Phù, chùa Tiên, đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, khu di tích lịch sử Ba Đình… Mật độ di tích ở đây khá dày đặc, chủ yếu tập trung ở vùng núi phía Bắc dãy Tam Điệp và đôi bờ sông Hoạt nên rất thuận lợi cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Thanh Hoá: Về thăm “Danh sơn đệ nhất động Từ Thức”
Để phát triển tiềm năng này, những năm gần đây huyện Nga Sơn đã đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó phải kể đến việc, huyện đã ban hành đề án “Phát triển du lịch Nga Sơn giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn 2020″, đề án Cơ cấu ngành du lịch Nga Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Đây là nền tảng, cơ sở, định hướng cho du lịch Nga Sơn phát triển.
Chỉ trong một thời gian chưa dài thực hiện chủ trương phát triển du lịch, ở Nga Sơn đã có nhiều di tích, danh thắng được đầu tư xây dựng, trở thành điểm đến hấp dẫn, hằng năm đón hàng trăm lượt khách về tham quan, vãn cảnh…
Thắng cảnh nơi đây đẹp và hấp dẫn. Về đây mọi người không quên được câu ca: “Thắng cảnh thiên nhiên tự ngày xưa/ Từ Thức Tiên Hương khéo hững hờ/ Huyền thoại truyền lưu bao thế hệ/ Đẹp cảnh muôn đời, đẹp ước mơ.”
Nằm trong quần thể di tích xã Nga Thiện, động Từ Thức đã mang đến cho khách du lịch ấn tượng mạnh mẽ cả trong và ngoài động. Nhìn những đoàn khách tham quan từ khắp nơi về đây thấy mừng cho sự phát triển du lịch Nga Sơn. Khuôn viên bên ngoài được xây dựng tương đối hoàn thiện, đường đi khá bắt mắt cùng với những cây cổ thụ, cây dây leo xung quanh, đường vào động làm nên những chiếc võng đung đưa, tạo nên sự khoái cảm cho du khách. Ai cũng muốn một lần ngồi bên những cánh võng thả tâm hồn hướng về phía đồng quê, xả stress sau những ngày dài lao động vất vả…
Theo truyện kể, Từ Thức là người có thực ở Hòa Chân, trước ở làng Cẩm La, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa), niên hiệu Quang Thái năm 1396 đời Trần. Lúc nhỏ ông là người thông minh, hiếu học, thương người nghèo khổ. Sau đó ông làm quan nhưng rồi trả ấn từ quan. Khi ông xin về thường có một cháu trai nhỏ theo hầu rượu, cây đàn, túi thơ dạo chơi những nơi thắng cảnh, non tiên, thích thú đánh đàn, ngâm thơ. Khi về dự cảnh chùa Tiên thấy người con gái duyên dáng, xuân xanh khoảng mười tám đôi mươi đang bị giam giữ, ông hỏi duyên cớ làm sao. Người con gái nói: “Hoa đẹp ai nấy chả yêu/ Dang tay bắt bướm gãy cành mẫu đơn”. Sau mới biết, nguyên do là chú tiểu bắt đền 30 quan tiền vì không có tiền nên bị giam giữ.
Chàng Từ Thức tỏ lòng thương và cởi áo gấm chuộc tội cho nàng. Sau mới biết cô gái ấy là nàng tiên thứ 6 trên thiên đình. Cũng từ đó mối nhân duyên giữa Từ Thức và Giáng Hương được nảy nở. Họ kết duyên và lại chia tay nhau.
Là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng độc nhất vô nhị ở trời Nam, động Từ Thức được xem là “Danh sơn đệ nhất động” gắn liền với câu chuyện tình Từ Thức gặp tiên (nàng Giáng Hương). Đó là thiên tình sử lãng mạng đầy tính nhân văn sâu sắc. Tạo hóa như có một bàn tay siêu thần, có phép mầu nhiệm tạo nên bao cảnh đẹp như mơ, như thực, lung linh rực rỡ sắc màu huyền bí vừa gần vừa xa ở Bồng Lai tiên cảnh. Trong động, trên vách đá, nóc động, nền động nhiều cảnh thơ mộng bởi thạch nhũ. Các bức “phù điêu”, “tượng” gắn liền với đời sống thường ngày của con người, hạnh phúc lứa đôi.
Đặc biệt là những dấu tích của tình yêu của Từ Thức và Giáng Hương như: Buồng tắm, thư phòng, quả đào tiên, vầng trăng, đôi chim thạch nhũ… xem mãi không thấy chán.
Được biết những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền Nga Sơn đã tập trung nguồn ngân sách đầu tư danh thắng động Từ Thức. Từ cảnh quan bên ngoài đến trang trí đèn LED trong động, làm cầu bắc qua ao bèo, thành lập ban quản lý di tích, đào tạo hướng dẫn viên du lịch… tạo điểm đến hấp dẫn du khách.
Theo Vanhien.vn