Tương truyền, chùa Phật Quang có tên gốc là Bồ Đề, thuộc thôn An Hòa, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, phủ Bình Thuận, nay là đường Trần Quang Khải, P. Hưng Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây cách đây hơn 320 năm.
Sau khi về trụ trì chùa Phật Quang, sư Thích Huệ Tánh đã cho xây dựng chính điện mới ở phía trước ngôi chùa cổ. Chùa Phật Quang mang vẻ uy nghi, tĩnh lặng, hoa văn chạm trổ ở tiền sảnh, bao lam, nóc, mái chùa có màu sắc tươi sáng, tượng Phật Di Lặc nụ cười hoan hỉ tọa ngay giữa chính sân… khiến du khách đến viếng chùa cảm thấy tươi vui, nhẹ nhàng. Chùa có hẳn một khu nhà nghỉ khang trang dành cho các đệ tử và khách thập phương, gian phòng nhỏ cạnh chính điện chùa cổ là nơi nghỉ ngơi dành cho sư trụ trì.
Hoa văn chạm trổ ở tiền sảnh, bao lam, nóc, mái chùa có màu sắc tươi sáng, tinh xảo
Khách đến viếng chùa ngoài giao tiếp với sư trụ trì thân thiện, hài hước còn thích thú xem những bảng tin được treo ở các bức tường phía sau và bên hông chánh điện. Mỗi mùa xuân, sư Thích Huệ Tánh đều cho thực hiện một bảng tin chào năm mới và đúc kết hoạt động của năm đã qua của chùa bằng nhiều bài thơ của các vĩ nhân, những người bạn, của khách đến thăm chùa và của chính sư trụ trì. Khách viếng chùa như lắng lòng với những áng thơ về cõi nhân sinh, vạn vật, thời gian…
Mặt trước chùa Phật Quang
Cả đoàn tiếp tục theo chân sư trụ trì tham quan ngôi chính điện và nghe kể về lịch sử của ngôi chùa cùng bộ kinh. Theo sư Thích Huệ Tánh, tháng 11/1987, khi đang quét dọn sân chùa, nhà sư cùng các đệ tử vô tình phát hiện ra bên dưới sân chùa cổ (nay là chính điện của chùa mới) một căn hầm. Thầy trò vui mừng khôn xiết vì tìm được trong hầm một kho báu vô giá. Đó là bộ kinh Pháp Hoa được khắc trên gỗ thị đỏ, loại gỗ hiếm chỉ phát triển được ở vùng Bình Thuận, Ninh Thuận.
Những tấm gỗ của bộ kinh Pháp Hoa
Bộ kinh Pháp Hoa được khắc ngược bằng chữ Hán trên 118 tấm gỗ, mỗi tấm dày 4cm, dài 80cm, rộng 35cm, trong đó 110 tấm chữ và 8 tấm khắc tranh về cuộc đời của Đức Phật. Điều kinh ngạc là bộ kinh Pháp Hoa với hơn 60.000 chữ đều được khắc hoàn toàn bằng đôi tay tài hoa của ba vị thiền sư Pháp Không, Thiện Huệ, Bảo Hương cùng 12 đệ tử trong suốt 28 năm ròng rã (từ năm 1704 – 1732).
Được biết, bộ kinh tại chùa Phật Quang là một trong ba bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất trên thế giới tính đến nay. Hai bộ khác ở Trung Quốc được khắc trên chất liệu đá và chất liệu đồng hiện đã bị phong hóa, mục nát, thất thoát nên nội dung chỉ còn được khoảng 20-30%. Riêng bộ kinh Pháp Hoa trên gỗ thị đỏ tại chùa Phật Quang vẫn nguyên vẹn gần như 100%. Hơn 300 năm tuổi đời, từng tấm gỗ khắc kinh vẫn vuông vức, sắc cạnh. Màu gỗ chuyển sang nâu đen bóng, từng nét chữ, nét vẽ đều tinh xảo.
Ngoài bộ kinh Phật khắc bằng gỗ đầy đủ và cổ xưa nhất được ghi vào kỷ lục guiness Việt Nam, chùa Phật Quang còn có hai kỷ lục khác là chuông Gia Trì và cặp mõ Gia Trì làm bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Được biết, cặp mõ Gia Trì cao 80cm, ngang 92cm, được làm bằng gỗ mít Quảng Bình, do 3 thợ Quảng Nam thực hiện từ 1977 – 2004. Chuông Gia Trì do thợ Quảng Nam thực hiện, cao 1m, đường kính 1,2m, nặng 400kg.
Theo Phụ Nữ TP.HCM