Nguyễn Văn Cừ là người con ưu tú của mảnh đất Bắc Ninh, là nhà lãnh đạo lỗi lạc. Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nơi ghi đậm dấu ấn thân thế sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Thăm khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, người anh hùng quê hương Quan họ
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng trên khu đất rộng gần 5.000 mét vuông của gia đình đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn. Trước mặt khu lưu niệm là hồ bán nguyệt được kè đá xanh, tạo khuôn viên thoáng mát.
Nhà lưu niệm gồm các hạng mục chính: tượng đài; nhà trưng bày thân thế sự nghiệp cách mạng; nhà lưu niệm gốc; nhà khách; hội trường.
Tượng đài Tổng Bí thư được đúc bằng đồng, cao hơn 4m, nặng gần 5 tấn. Công trình được khánh thành vào năm 2012, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí.
Ngôi nhà lá trong khu lưu niệm từng là nơi hoạt động của các lãnh tụ phong trào nông dân Yên Thế và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đồng thời, cũng là địa điểm ghi dấu ấn thời thơ ấu của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Nhà lưu niệm gốc về gia đình Tổng Bí thư gồm 5 gian, dài 10m, rộng 4m, được làm hoàn toàn bằng tre ngâm, lợp dạ và lá cọ. Nơi đây thờ bố mẹ, anh, chị em ruột và đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Khu lưu niệm đang lưu giữ nhiều hiện vật sinh hoạt, sản xuất của gia đình đồng chí như: khung cửi, phản gỗ, chõng che, thùng đựng thóc… Đặc biệt, có hai hiện vật gốc là chiếc phản gỗ và chiến hòm cáng là những kỷ vật gắn bó thân thiết với tuổi thơ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Chính giữa khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là khu nhà trưng bày thân thế sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Nơi đây trưng bày nhiều tài liệu và hiện vật quý về thân thế sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của đồng chí.
Năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Tháng 7 năm 1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh phê bình trong Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là tấm gương sáng cho các thế hệ Đảng viên.
Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, Hóc Môn cùng một số Đảng viên cộng sản khác: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu…
Chỉ với 29 năm tuổi đời nhưng có đến hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 12 năm tuổi Đảng, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vô cùng to lớn cho đến hiện tại.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được công nhận là Di tích Quốc gia năm 1988. Đây là địa điểm để các thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hiểu thêm về một chiếc sĩ cộng sản kiên trung. Dù cuộc chiến đã đi qua, nhưng những bài học của nó gửi gắm cho các thế hệ vẫn còn mãi.
Theo iVIVU.com