Đã từng đến Thái Lan vào những đợt bất ổn trong đó có cả dịp đất nước này rơi vào trận lụt lịch sử nên đối với tôi, nơi đây chưa bao giờ là quá nguy hiểm.
Chúng tôi đến với Thái Lan trong giai đoạn nhiều người hồi hộp không muốn ghé, thậm chí là hủy vé máy bay đã đặt trước. Nhưng một điều may mắn là những ngày nghỉ lại nơi đây chúng tôi đã chứng kiến được sự “chuyển đổi”, vì ở đây chỉ khoảng hơn ngày rưỡi thì lệnh cấm đã được dở bỏ và khắp nơi lại ồn ào, sôi động như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Theo như lời nói của người dân địa phương thì trong giờ giới nghiêm (giờ giới nghiêm bắt đầu từ 23h00 đến 05h00), du khách vẫn được phép ra đường nhưng không được đi theo nhóm từ 5 người trở lên, nếu đi theo nhóm từ 5 người trở lên mà cảnh sát hay quân đội bắt được thì bạn sẽ phải ngủ ở lại đồn công an chờ đến sáng ngày hôm sau có người bảo lãnh cho về. Còn trong trường hợp bạn là người Thái mà vi phạm luật giờ giới nghiêm nhưng không mang theo giấy tờ tùy thân thì sẽ bị phạt 40.000 Baht (khoảng 26.240.000 VND).
Vừa đặt chân xuống sân bay chúng tôi đón taxi đến bến xe ở Bangkok mua vé cho nhóm ba người đi Pattaya chơi. Tới Pattaya, sau khi sắp xếp mọi thứ, nhận phòng khách sạn, cả nhóm đón Song Taew (Sỏng Thẻo) đi tới Phố đi bộ hay còn gọi là Phố đèn đỏ nổi tiếng thế giới của thành phố biển này.
Dù vẫn còn lệnh cấm nhưng những quán bar vẫn rộn ràng với tiếng nhạc, biển quảng cáo đủ màu sắc,… Các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa đi kèm bảng quảng cáo giảm giá hấp dẫn. Du khách vẫn vui chơi hết mình, bất chấp thời gian căng thẳng chính trị đang lên cao. Cứ tưởng chừng các quán xá sẽ mở thâu đêm bất chấp lệnh giới nghiêm nhưng đúng 12h, các nơi bắt đầu đóng cửa, dọn dẹp. Kể cả những quán bar sầm uất nhất vốn nổi tiếng là chỉ bắt đầu hoạt động về đêm.
Tôi hỏi một anh cảnh sát du lịch tại sao các quán bar, cửa hàng lại đóng cửa thì nhận được câu trả lời là do bắt đầu giờ giới nghiêm có hiệu lực. Tất cả du khách dù luyến tiếc vẫn phải vội từ giã cuộc chơi lục đục rời quán, ngay cả hàng quán có di động cũng nhanh chóng trở về nơi “tập kết”. Các chủ quán trao đổi với nhau đôi chút về một ngày buôn bán mệt nhọc. Để rồi chỉ hơn nửa tiếng sau, đường phố vắng lặng như tờ, chỉ còn những cửa hàng mini Seven-Eleven là vẫn mở cửa trong giờ giới nghiêm.
Ngày hôm sau, lệnh giới nghiêm được dở bỏ, đoàn chúng tôi đi mua vé xem show diễn của những người chuyển giới gồm có hai chương trình biễu diễn là: Alcazar show và Tiffany show đều nằm trên đường Pattaya Road 2. Giá vé xem biểu diễn là 600 – 800 baht/khách tùy vị trí ngồi. Chương trình diễn ra trong 1giờ 30 phút và mang đầy màu sắc của nhiều quốc gia, dù Châu Á là chiếm đa số.
Với những tiết mục múa lộng lẫy trong nền nhạc truyền thống của: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,… thậm chí cả Việt Nam. Khách du lịch Việt Nam thường gọi là “show pê-đê”. Tại đây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những người nam đã được chuyển giới, để trở thành phụ nữ đang diễn những bài hát hay múa trên sân khấu.
Nhìn bề ngoài họ không khác gì một người con gái xinh đẹp, gợi cảm. Dù chỉ là hát nhép nhưng phần múa cũng như sân khấu được dàn dựng công phu, khiến người xem gần như không thể rời mắt. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe bài Kachiusa bằng cả hai thứ tiếng Nga – Việt. Và tự hào khi nghe bài hát “Sài Gòn Đẹp Lắm” vang khắp khán phòng.
Với đội ngũ múa minh họa trong tà áo dài ngồi trên những chiếc xích lô, vốn là biểu tượng một thời của Sài Gòn. Dĩ nhiên, việc chụp ảnh hay quay phim bị cấm tuyệt đối và luôn có đội ngũ theo dõi nhắc nhở ai vi phạm.
Rời Pattaya, quay về Bangkok trong suốt những ngày lưu lại đây, đoàn chúng tôi không gặp rắc rối gì dù luôn có sự hiện diện của cảnh sát và quân đội ở khắp nơi. Thậm chí, một anh lính còn đứng làm duyên khi thấy tôi giơ máy chụp ảnh. Quả thật, với riêng tôi du lịch Thái Lan chưa bao giờ là quá nguy hiểm, có chăng là chỉ nguy hiểm trong bộ phim Bangkok Dangerous, của tài tử Nicolas Cage.
Bài và ảnh Huy Bân