Dù cách Đà Lạt khá xa nhưng sự hấp dẫn, lôi cuốn của thác Pongour đã xóa tan mọi trở ngại để đưa du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác này.
Thác Pongour – điểm đến giúp bạn quên định kiến Đà Lạt chỉ toàn có hoa
Thác Pongour còn được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhất thác, tọa lạc tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng cách trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km về hướng nam trên quốc lộ 2. Hiện thác còn không quá nhiều nước do làm thủy điện, nhưng với dòng chảy bậc thềm rộng lớn vẫn tạo thành khung cảnh độc đáo. Khu thung lũng hạ lưu của thác cũng là địa điểm thích hợp cho cắm trại và nghỉ dưỡng.
Dù cách thành phố Đà Lạt khá xa nhưng sự hấp dẫn, lôi cuốn của thác Pongour đã xóa tan mọi trở ngại để đưa du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác có “1-0-2″ này. Nếu như bạn đã từng thăm thú nhiều ngọn thác khác nhau ở Đà Lạt thì chắc chắn thác Pongour sẽ cho bạn một cảm nhận khá mới mẻ.
Thác Pongour cao khoảng 50m, và chia thành 7 tầng thác đổ, nhìn từ xa như mái tóc của một người phụ nữ tuyệt đẹp. Những tảng đó to, trên những tầng thác làm cho dòng nước tung bọt trắng xóa.
Vẻ đẹp đặc biệt của dòng thác nằm ở hệ thống các bậc đá bằng phẳng, xếp thành lớp tuy không theo bất cứ một trật tự nào nhưng đã “xé” nguồn nước thành hàng trăm dòng nhỏ, tạo thành những thảm nước tung bọt trắng xóa, hùng vĩ. Bên dưới thác là một mặt hồ rộng thênh thang, yên bình với rất nhiều tảng đá nhấp nhố giữa dòng nước.
Thác Pongour gắn với truyền thuyết hào hùng của người đồng bào dân tộc K’ho. Truyện kể, xưa vùng đất này do một nữ tù trưởng người K’ho xinh đẹp cai quản, nàng tên Kanai. Nàng có tài chinh phục thú dữ, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ lợi ích cho con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường luôn tuân lệnh nàng. Chúng dời non, ngăn suối, khai phá nương rẫy, bảo vệ dân làng.
Một ngày vào rằm tháng giêng, nàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn bên nàng ngày đêm không rời, chẳng buồn ăn uống cho đến chết. Không lâu sau nơi nàng yên nghỉ sừng sững một ngọn thác đẹp tuyệt trần. Mái tóc của nàng Kanai đã hóa thành dòng nước trắng xóa, trong xanh, mát rượi, còn những phiến đá xanh rêu to lớn làm nền cho thác đổ là những chiếc sừng của tê giác hóa thành. Đó là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên.