Tháng 10, cánh đồng rộng lớn mang màu mạ mới gieo, bên cạnh sắc xanh của hồ Tà Pạ và những rặng thốt nốt.
Tà Pạ xanh mướt trong mùa lúa mới
Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở An Giang. Điểm đến này thu hút du khách quanh năm, cả mùa trồng lúa và khi thu hoạch. Tháng 10, người dân bắt đầu gieo mạ trên những thửa ruộng, mang tới khung cảnh xanh ngát.
Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô (ảnh). Nơi này thuộc vùng Thất Sơn – bảy ngọn núi ở đồng bằng miền Tây Nam Bộ, trên địa phận hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Một góc cánh đồng nhìn từ núi Tà Pạ. Địa hình bằng phẳng bên dưới mang đến cho khách tham quan tầm nhìn trải rộng về những ruộng lúa và lối đi xung quanh.
Một người dân đắp bờ để ngăn cách và tạo lối đi giữa các thửa ruộng.
Mùa hoa tràm nở rộ bên con đường đất chạy xuyên qua cánh đồng Tà Pạ.
An Giang còn được biết đến là xứ sở cây thốt nốt ở Việt Nam. Nếu khởi hành đến Tà Pạ từ thành phố Châu Đốc, du khách cũng nên ghé vào những vùng trồng cây thốt nốt nằm hai bên đường. Đa phần vùng thốt nốt đẹp nhất ở gần trục đường chính, một trong số đó là dãy thốt nốt ở phía sau chùa Sđach Toth, cách thành phố Châu Đốc khoảng 23 km.
Hồ Tà Pạ là điểm đến trong hành trình khám phá nơi này. Hồ hình thành sau quá trình khai thác đá ở ngọn núi cùng tên, có làn nước trong xanh nhìn thấy đáy và phẳng lặng. Quanh hồ chỉ có một lán nhỏ do người dân dựng tạm để bán đồ giải khát vào ban ngày. Nếu cắm trại qua đêm, bạn nên chủ động mang theo các đồ dùng cần thiết và dọn dẹp sạch trước khi ra về.
Trên núi còn có chùa Tà Pạ, một trong những điểm tham quan phổ biến của khách du lịch khi tới vùng đất này. Ngôi chùa Phật giáo Khmer nằm gần đỉnh núi, mang bầu không khí thanh bình cùng tầm nhìn toàn cảnh đồng lúa bên dưới.
Vào lúc chiều muộn, du khách nán lại những cánh đồng ở An Giang có thể thấy cảnh đàn cò về tổ, lũ lượt nối đuôi nhau qua ngọn cây thốt nốt.
Trên đường tham quan Tà Pạ, du khách có thể dừng chân tại làng dệt thổ cẩm Văn Giáo để xem cách người Khmer tạo nên trang phục của họ. Du khách có thể mua các sản phẩm dệt như khăn tay, váy ngay tại nhà của các thợ thủ công với giá từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng.