Cùng giải mã những điều thú vị ẩn sau cái tên có phần hơi rùng rợn của Biển Chết, nơi được coi là hồ nước mặn nhất thế giới.
Sự thật đầy thú vị đằng sau cái tên “Biển Chết”
Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần nghe đến một “hồ nước không bao giờ chìm”, hồ nước này chính là Biển Chết. Không chỉ không thể chìm, Biển Chết còn rất nhiều điều thú vị đặc biệt khác đang chờ để bạn khám phá.
Mặc dù gọi là Biển Chết nhưng thực chất đây là một hồ nước mặn. Biển Chết nằm trên vùng biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan. Khoảng 3 triệu năm trước thì cả khu vực này là một vịnh hẹp, quanh co, thông ra biển Địa Trung Hải, tạo ra các lớp muối trầm tích. Sau đó, do các sự va chạm và nâng lên của địa chất dẫn đến sự biến đổi của vịnh thành một hồ nước rộng lớn.
Thời tiền sử, hồ nước từng là hồ nước ngọt hay nước lợ, dần dần khi khí hậu trở nên khô cằn cộng với hiệu ứng chặn mưa của dãy núi Judea, lượng mưa của Biển Chết nhận được chỉ khoảng từ 50-100mm/năm, hồ nước trở nên mặn hơn. Mặc dù có thể nói đây là hồ nước mặn nhất nhưng lượng NaCl tại Biển Chết chỉ chiếm khoảng 12-18%. Trong khi tại các biển hay đại dương khác là 97%.
Nhờ các lớp trầm tích muối từ khi còn là một vịnh biển, khoáng chất ở Biển Chết khác đáng kể so với nước của các đại dương khác, với khoảng 21 khoáng chất và 12 trong số các khoáng chất này không tìm thấy trong các biển và đại dương khác. Các khoáng chất này được ghi nhận là có ảnh hưởng rất tốt tới cảm giác thư giãn, tốt cho da và có khả năng trị các vấn đề về da như chàm, hắc lào, vảy nến, ghẻ lở, mụn,… làm giảm nhẹ bệnh thấp khớp cũng như các rối loạn trao đổi chất,…
Do nồng độ muối cao bất thường của Biển Chết, bạn có thể hoàn toàn nổi được. Nước tại Biển Chết khiến bạn cảm thấy trơn nhờn và vì độ mặn nước này có thể gây ra cảm giác cay mắt hoặc rát da đặc biệt là khi bạn ở dưới nước quá lâu. Nhìn chung Biển Chết mang lại khá nhiều lợi ích về sức khỏe, khu vực này cũng trở thành một trung tâm nghiên cứu và điều trị lớn.
Mặc dù có những lợi ích nhất định đối với con người nhưng độ mặn quá cao tại Biển Chết khiến cho cá và các thủy sinh vật không thể sinh sống trong lòng hồ, tuy nhiên vẫn có một lượng nhỏ vi khuẩn và nấm mốc có thể tồn tại. Đây cũng là nguồn gốc cho tên “Biển Chết” của hồ nước này. Khi cá theo nước sông Jordan bơi vào Biển Chết sẽ rất nhanh bị kết liễu bởi nước ngọt bị trộn lẫn với nước siêu mặn. Tuy nhiên, đôi khi nước ngọt có thể nổi vô hạn định trên bề mặt và tạo môi trường cho cá sống ở lớp nước ngọt trên bề mặt trong vài ngày. Hay vào mùa đông có mưa nhiều, thì nhất thời Biển Chết cũng sẽ có sự sống. Nhưng nhìn chung không có sinh vật nào sống trong Biển Chết “thực thụ”.
Biển Chết hiện đang nhanh chóng co lại, do sự khai thác bơm nước ra quá nhiều nhưng không có nước chảy vô khiến Biển Chết đang lâm vào cuộc khủng hoảng. Nếu không có những biện pháp cải thiện tình hình thì Biển Chết như chúng ta biết đến hiện nay có thể trở thành quá khứ.
Theo iVIVU.com