Trong ấn tượng của Trung Hiếu, “đường chân trời đã mất” có không khí trong lành, nhịp sống yên bình với những mái đền, chùa, tu viện Phật giáo.
Shangri-la trong mắt khách Việt
Tháng 4/2019, Trần Trung Hiếu (TP Hội An) có dịp ghé thăm Shangri-la cùng những người bạn. Nơi đây được biết tới nhiều trong tiểu thuyết “Đường chân trời đã mất” (Lost Horizon) của nhà văn Anh James Hilton, thu hút nhiều du khách Việt. Shangri-la nằm trong cao nguyên hơn 3.300 m so với mực nước biển, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi tốt, hồ nước tuyệt đẹp, không khí trong lành. Trong ảnh là Songzanlin (Tùng Tán Lâm), tu viện lớn của Phật giáo dòng Mật tông, nằm trên ngọn đồi cao, thuộc dòng tu của các Lạt Ma. Tu viện dựng từ năm 1679 theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng, nổi bật với những mái nhọn dát vàng rực rỡ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tu viện vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn. Có thời điểm, số nhà sư ở đây lên đến 3.000 người.
Những con đường ở Shangri-la quanh co và vắng lặng, nên thơ. Đâu đó bạn sẽ bắt gặp các vị Lạt Ma trên đường trong trang phục sẫm màu đặc trưng. Số người theo Phật giáo Tây Tạng ở đây rất đông. Đây là một hệ phái quan trọng thuộc Phật giáo Kim cương thừa, được truyền bá nhiều nơi quanh Hy Mã Lạp Sơn, đặc biệt ở Tây Tạng.
Bạn sẽ thấy người dân treo Lungta, những lá cờ cầu nguyện Tây Tạng với nhiều màu sắc khác nhau ở mọi nơi. Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”. Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của ngựa gió tiêu biểu cho sự chuyển hóa của cái ác thành cái thiện, những điều không may thành cát tường, thịnh vượng; chướng ngại trở thành cơ hội may mắn. Cờ được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Trên mặt lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh và những lời cầu nguyện. Nằm ở chính giữa vị trí trung tâm cờ là ngựa gió, đại diện cho Tam Bảo của Phật giáo. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú: Garuda (một loài chim thần) tượng trưng cho trí tuệ, rồng tượng trưng cho quyền năng, hổ tượng trưng cho lòng tin và sư tử tuyết đại diện dũng cảm.
Tiểu thuyết Lost Horizon kể chuyện một phi công bị nạn được đưa vào chữa trị tại một tu viện Lạt Ma, ở một nơi vô định mang tên Shangri-la thuộc vùng Tây Tạng. Đây là nơi hẻo lánh thu mình giữa những dãy núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình, bình yên. Du khách có thể dạo bộ thả hồn theo những dãy núi tuyết phủ quanh năm hay những ngọn đồi, nơi có những chú mục đồng và bò yak vô tư gặm cỏ. Ở Shangri-la, thứ được coi trọng nhất là tình yêu, là hạnh phúc của con người. Tình cảm của gia đình và các mối quan hệ xã hội thân thiết khác được đặt lên đầu.
Từ Lệ Giang bạn có thể mua vé xe đi Shangri-la tại bến xe với giá khoảng 63 CNY (210.000 đồng) và thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng. Còn trong nội thị Shangri-la, bạn chỉ tốn 1 CNY để di chuyển đến nơi mình muốn. Điểm đến tiếp theo của nhóm Hiếu là phố cổ Dukezong, nằm ở phía nam thành phố.
Ở đây, nhóm tham quan Đại Phật Tự trên ngọn đồi cao. Ngôi chùa được xây dựng thời vua Khang Hy, trông rất kiên cố. Buổi tối, chùa càng lung linh thêm dưới ánh đèn và màu sắc của cờ Lungta. Trước khi bước vào tham quan nơi này, du khách thường bị thu hút bởi bánh xe cầu nguyện bên ngoài.
Bánh xe cầu nguyện, hay vòng quay Kim Luân, tại đền Dukezong (Độc Khắc Tông) là một bánh xe hình trụ, được làm từ kim loại, gỗ, đá, da thuộc hoặc sợi bông thô. Ở bên ngoài bánh xe là câu thần chú Om Mani Padme Hum được viết bằng ngôn ngữ Newari của Nepal. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, việc quay một bánh xe như vậy sẽ có nhiều tác dụng tương tự như việc đọc lời cầu nguyện bằng miệng. Hiếu và nhóm bạn phải cần thêm những người khác để xoay bánh xe, thường là phải từ 10 người trở lên.
Trung tâm phố cổ về đêm lung linh dưới ánh đèn. Thị trấn hơn 1.300 năm tuổi này có những ngôi nhà truyền thống của Tây Tạng, những ngôi đền, chùa cổ và những con hẻm hẹp quanh co. Theo kinh nghiệm của những người từng đến đây du lịch và người dân địa phương, bạn có thể chọn đến thăm Dukezong vào giai đoạn giao thoa giữa xuân và hè (tháng 4 – 6). Lúc này, thời tiết ấm áp, khô ráo và thích hợp cho những hoạt động tham quan. Ẩm thực nổi trội tại Shangrila là món thịt yak khô xào cay để làm ấm cơ thể khi trời rét buốt. Ở đây có món trà với bơ yak và tsampa – món bột lúa mạch phơi khô ngoài nắng hay nướng lên, bốc vỏ trước khi cho vào cối xay hay giã. Bột có thể hòa cùng nước, chè lạnh hoặc nóng. Sau đó thêm vào chút đường và bơ rồi nhào quanh chén cho đến khi bột đóng lại thành cục vò ra viên. Người dân có thể chế tạo bột này cộng thêm rau, pho mát hay thịt làm thành một bữa ăn.
Người dân Shangri-la thích ca hát nhảy múa tập thể. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc níu chân du khách thập phương. Tour du lịch Shangri-la thường đi kết hợp cùng tuyến Lệ Giang, đưa du khách thưởng ngoạn toàn cảnh vùng Vân Nam, Trung Quốc. Du khách cần có hướng dẫn viên hỗ trợ ngôn ngữ do đây là vùng sinh sống của người dân tộc Nạp Tây, Tạng, Moshua. Chi phí tour trọn gói 6 ngày từ 17 – 20 triệu đồng cho một người.
Theo Thanh Thu/Vnexpress