Các chuyên gia nhận định đảo Lý Sơn có di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới, trong đó bờ đá trầm tích núi lửa tạo nên ruộng bậc thang ẩn chứa tiềm năng du lịch rất lớn.
Ruộng bậc thang hấp dẫn du khách khi du lịch đảo Lý Sơn
Những phiến đá trầm tích núi lửa nằm vương vãi khắp nơi được người dân đảo Lý Sơn gom nhặt, xếp chồng lên nhau, tạo bờ đá ngoằn ngoèo và những thửa ruộng bậc thang ở thôn Đông, xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn).
Bờ đá trầm tích núi lửa hình zig zag tạo nên thửa ruộng bậc thang độc đáo ở xã đảo An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn.
Ông Nguyễn Bình (ngụ xã An Bình), cho biết từ nhỏ đã nghe ông bà kể dân làng đã đắp những bờ đá nhằm tạo ranh giới các thửa ruộng ven các triền đồi, vừa hạn chế mưa làm rửa trôi đất, vừa có tác dụng chắn gió, giảm thiểu thiệt hại cho cây hành, tỏi và hoa màu.
Trải qua nhiều năm dài, người dân nơi đây vẫn thường xuyên bồi đắp, bảo vệ bờ đá trầm tích núi lửa này vừa bảo vệ mùa màng vừa gìn giữ di tích tổ tiên để lại.
Do địa hình triền đồi nhấp nhô, nông dân đắp bờ đá trầm tích núi lửa cao hơn 1,5 m, có đoạn dài hơn 500 m tạo nên tường lũy vững chãi quanh huyện đảo tiền tiêu.
Bờ đá xen lẫn với không gian xanh trên đồng hành, tỏi và hoa màu các loại tạo nên bức tranh miền biển đảo thanh bình. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản), cho biết hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính. Đợt sớm nhất cách đây khoảng 11 triệu năm (liên quan đến quá trình tách giãn biển Đông Á vĩ tuyến 109), và gần nhất khoảng 3.000 đến 1 triệu năm liên quan hình thành vỏ Trái đất, nền văn minh con người.
Bờ đá nổi bật dưới vườn dừa xanh ngát ở đảo Bé Lý Sơn. Theo ông Hoàng, huyện đảo Lý Sơn có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như miệng núi lửa kép trên đỉnh núi Thới Lới, giếng Tiền, hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò trên bờ và dưới biển…, trong đó quần thể bờ đá trầm tích núi lửa tạo nên ruộng bậc thang “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam có giá trị lớn để làm du lịch.
Bờ đá uốn lượn đẹp mắt bên thảm thực vật xanh trên đảo Lý Sơn. “Đảo Lý Sơn có thể ví là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi thế giới, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu”, chuyên gia nhận định.
Bờ đá trầm tích núi lửa tạo nên những thửa ruộng bậc thang tuyệt tác ở đảo Bé Lý Sơn. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, nhận định những thửa ruộng bậc thang có bờ đá trầm tích núi lửa có nét giống ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, có thể hình thành nên tour du lịch khám phá ruộng bậc thang trầm tích núi lửa độc đáo hấp dẫn, lý thú.
Những phiến đá đen trầm tích núi lửa nằm chồng lên nhau tạo muôn hình kỳ thú trên cánh đồng đất đảo. Du khách đến tham quan huyện đảo Lý Sơn có thể ngắm ruộng bậc thang có bờ đá trầm tích núi lửa ở di tích xóm Ốc, cánh đồng bên bờ biển (thôn Đông, xã An Vĩnh) và ruộng bậc thang ở xã đảo An Bình (đảo Bé).
Ông Vũ cho rằng, huyện đảo Lý Sơn, đặc biệt ở đảo Bé có nhiều di tích, hệ thống hang động được hình thành từ nham thạch núi lửa biển, những thửa ruộng bậc thang được trồng hành tỏi, bắp, đậu, những rặng dừa, bàng phễu… còn giữ vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Những thửa ruộng bậc thang có bờ đá trầm tích núi lửa ở đảo Bé Lý Sơn có sự tương đồng với đảo Jeju (Hàn Quốc).
Theo Minh Hoàng/Zing News