Tháng 3 hoa gạo rực đỏ ở ngôi chùa cổ kính gần 1.000 tuổi, tạo nên vẻ đẹp riêng khó nơi nào có được.
Rực đỏ hoa gạo trước sân chùa Thầy
Toàn cảnh sân chùa, hồ nước, Thủy Đình và những cây hoa gạo nhìn từ trên núi Sài Sơn. Tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.
Nhành hoa gạo sà xuống trước thủy đình trên hồ. Đây là kiến trúc biểu tượng của chùa Thầy. Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng. Vào những ngày lễ hội, nơi này trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước.
Những cây hoa gạo ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại nở hoa, tô điểm cho không gian ngôi chùa cổ kính thêm đẹp hơn.
Theo Đông y, toàn bộ cây gạo được sử dụng làm thuốc với tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Riêng hoa được sử dụng chữa nhiều bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng.
Trong mùa hoa, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đỏ rực trên cành, nổi bật trên nền xanh của núi. Cây gạo tại đây được cho là đặc biệt hơn bởi có cành hoa rủ xuống.
Hoa rụng trên mái cây cầu cổ Nhật Tiên Kiều. Hoa gạo nở có 5 cánh, mùa hoa kéo dài gần một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non. Loài hoa được biết đến với nhiều tên gọi khác như mộc miên, pơ lang.
Mùa hoa gạo nở cũng là lúc du khách và các tay máy đến chụp ảnh. Ngoài chùa Thầy, cây hoa gạo được trồng nhiều ở công viên, hè phố, làng quê và những công trình tâm linh như đền, chùa tại các địa phương trên cả nước như Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ngãi, Huế…