18-01-2024 10:04

Rainbow state: ký ức cầu vồng

Rainbow state: ký ức cầu vồng

Có những góc an bình ở bờ Tây Oahu Hawaii đã lưu vào trong ký ức, cho dù tôi đã không thở hơi thở của Hawaii, không cười điệu cười của Hawaii, không hát ca những giai điệu Hawaii thực thụ…

Du lịch Hawaii: ký ức cầu vồng

1. “Somewhere over the rainbow” là tên một bài hát nổi tiếng về quần đảo Haiwaii mà tôi vẫn hay nghe đi nghe lại vào mỗi buổi sớm mai thức giấc trong căn phòng với chiếc drap trải giường màu xanh nước biển và Eka, con trai tôi, nằm ngủ y như một con ếch, mông chổng lên trời.

Nhà bạn tôi ở phía Tây đảo, vùng Waianae trong một thung lũng, có lẽ vì thế mà mặt trời luôn tới khá muộn. Lúc nào tôi cũng có cảm giác, ngày mới chưa bắt đầu.

Tôi nhớ mỗi buổi sáng thứ 3 hàng tuần, xe dọn rác ầm ầm đi trên phố, đến trước mỗi ngôi nhà và thò cánh tay thép của mình ra, nâng chiếc thùng màu đen đổ ầm vào bồn xe rồi lại vội vã chạy sang nhà hàng xóm, trả lại con đường vẻ buồn tênh.

Tôi khẽ kéo rèm cửa, hé mắt nhìn ra ngoài trời còn đang ngái ngủ và ướt đầm sương sớm. Có cảm giác như thể mình đang chạm vào những tháng ngày định cư đâu tiên của bạn trên đất Mỹ.

Sự yên tĩnh, cô độc và những nỗi buồn cựa mình trong nhung nhớ. Nỗi nhớ từ đâu đó ở phía bên kia cầu vồng. Người ta còn gọi Hawaii là Rainbow state – bang Cầu Vồng của Mỹ.

Xanh thẳm bờ tây Oahu - Ảnh: Thủy Ong

Xanh thẳm bờ Tây Oahu – Ảnh: Thủy Ong

Trong ký ức cầu vồng - Ảnh: Thủy Ong

Trong ký ức cầu vồng – Ảnh: Thủy Ong

Một lần, tôi quyết định ra khỏi nhà khi các bạn và bọn trẻ vẫn còn đang say ngủ. Loay hoay nhấc chiếc xe đạp theo lối vườn để ra ngoài đường. Phố xá vắng tanh và những căn nhà vẫn cửa đóng then cài im ỉm.

Nền đường đen bóng với vạch kẻ sơn trắng sạch tươm, những chiếc vòi tự động đang xoay mình tưới nước trên thảm cỏ. Hàng rào gỗ sơn trắng, bờ rào hoa dâm bụt chỗ xanh, chỗ vàng, chỗ hồng.

Rặng núi thấp trọc men theo dọc con đường, dẫn về hướng Đông, nơi mặt trời sớm mai mới đang vươn mình lấp ló.

Chiếc xe đạp chầm chậm đi ngang dọc những ngã tư bàn cờ. Nước Mỹ, không những tòa nhà chọc trời, không tiếng còi xe bim bim, không phải đất liền mà ở tận ngoài hải đảo, một góc khiêm nhường nơi bờ Tây Oahu xanh thẳm, một Waianae hiền lành và giản dị đến bất ngờ.

Nhưng chính trên góc bờ Tây xa xôi ấy, chúng tôi đã có chung một Valentine hạnh phúc, một bữa tối quây quần quanh chiếc bàn vuông với canh cá nấu chua kiểu quê nhà.

Đang ăn thì có tiếng chuông cửa, thì ra, hàng xóm có chút quà muốn tặng “bạn đến chơi nhà”, hai đĩa đồ ăn tự làm gồm salad với oliu và măng tây, bánh táo và mứt dâu đỏ sậm.

Ai bảo, chỉ ở nông thôn Việt Nam ta mới có thứ tình làng nghĩa xóm thân thương như thế, ở “Tây” cũng đâu có kém gì?

Bình yên Waianae - Ảnh: Thủy Ong

Bình yên Waianae – Ảnh: Thủy Ong

Ở phía tây, mặt trời thức muộn - Ảnh: Thủy Ong

Ở phía Tây, mặt trời thức muộn – Ảnh: Thủy Ong

2. Thỉnh thoảng khi Ong (bạn tôi) đi học, bác Rùa (chồng bạn tôi) lại lái xe chở cả hội ra biển, cách nhà độ chục phút. Có những chiều muộn đứng trên triền cát, bãi biển thênh thang không một bóng người.

Cảnh đẹp mà cô độc. Như anh chàng thổ địa người Hawaii với độ béo đặc trưng và chiếc quần lửng hoa lá cành trễ bụng đang di chuyển cuối bờ cát kia hướng về những con sóng.

Như bọn trẻ con bé nhỏ mong manh trước những con gió ngày càng mạnh thổi về từ ngoài biển. Như tôi đang chìm vào suy nghĩ, rằng mình sẽ đón hoàng hôn Thái Bình Dương như thế này được bao nhiêu lần trong đời?

Liệu tiếng đàn Ukulele Hawaii duy nhất trong đời mình được nghe, có phải từ một quãng rất gần dưới tán cây già trên bãi biển Pokai? Những giai điệu ngân nga lạc mình trong tiếng sóng, gõ vào trái tim tôi những nhịp đập rộn ràng.

Tôi lén nhìn những thổ dân da màu đang tụ tập quanh chiếc bàn sắt, vừa chuyện trò vừa đàn hát, chỉ sợ nếu ai đó gặp ánh mắt mình, thì giai điệu Ukulele kia sẽ biến mất, và giấc mơ Hawaii thực thụ sẽ nhòa tan.

 Tiếng đàn Ukulele trên bãi biển Pokai - Ảnh: Thủy Ong

Tiếng đàn Ukulele trên bãi biển Pokai – Ảnh: Thủy Ong

Lấp lánh Hawaii - Ảnh: Thủy Ong

Lấp lánh Hawaii – Ảnh: Thủy Ong

3. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe IZ Israel Kamakawiwo Ole khổng lồ ôm cây đàn bé xíu và hát bản tình ca tuyệt diệu về Hawaii. Tôi luôn đứng cách xa một người Hawaii chân chính trên bãi biển, không chụp hình và không bao giờ dám “keep eyes contact” nếu tình cờ có cơ hội chạm mặt.

Đó chính là cái tôi tiếc nhất sau chuyến đi, tôi đã không thở hơi thở của Hawaii, không cười điệu cười của Hawaii, không hát ca những giai điệu Hawaii thực thụ. Ký ức của tôi không có dấu ấn của những thổ dân châu Đại Dương – người Polynesian.

Nghĩ tới điều này, thực sự tôi muốn khóc… Tôi đã có một chuyến đi khi không còn trẻ, và tôi thấy mình mất mát, khi đã không thể đi bằng nhiệt huyết thuở hồng hoang.

Một buổi đua thuyền - Ảnh: Thủy Ong

Một buổi đua thuyền – Ảnh: Thủy Ong

Lướt trên đỉnh sóng - Ảnh: Thủy Ong

Lướt trên đỉnh sóng – Ảnh: Thủy Ong

4. Tôi muốn đến Hawaii để sống chậm. Muốn được nằm dài trên bãi biển cả ngày đọc sách, nghe tiếng đàn Ukulele, ngắm những chiếc mông cong vút lắc lư trong tiếng gáo dừa va vào nhau rộn ràng.

Tôi muốn thẹn thùng ngắm những chàng trai rắn rỏi và đen bóng làm chủ con sóng dữ tợn bằng chiếc ván sắc màu ngày này qua ngày khác. Tôi muốn uống từng giọt Hawaii xanh biếc, ấm áp, máu lửa trên băng ghế cầu vồng.

Tôi muốn được dừng lại nơi ấy, bờ Tây Oahu!

Rộn ràng Hawaii - Ảnh: Thủy Ong

Rộn ràng Hawaii – Ảnh: Thủy Ong

Dừng lại nơi ấy, bờ tây Oahu - Ảnh: Thủy Ong

Dừng lại nơi ấy, bờ Tây Oahu – Ảnh: Thủy Ong

 Theo Thủy Black /Tuổi Trẻ

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan