“Porờkétta” – bạn nhấn mạnh trong lúc ngồi đợi suất ăn trưa bất ngờ trong chợ Firenze, sau khi hai đứa ngó nghiêng những gian hàng thực phẩm đầy ắp bánh mì, phomai và thịt nguội, những món ăn “Tây” điển hình.
Porchetta – hương vị khó quên trên hành trình du lịch Ý
Tôi phá ra cười khiến vài vị khách đi ngang ngoái đầu nhìn lại.
Tôi không phát âm chuẩn được từ tiếng Ý nào từ lúc đặt chân lên đất nước có hình chiếc ủng này, nơi mà bài hát Mùa hè nước Ý cho Mundial 1990 đã in hằn suốt một thời thơ ấu, những chàng cầu thủ áo xanh tóc đuôi ngựa thần thánh lướt qua trên màn hình tivi đã lấy đi bao nụ cười và nước mắt của những cô gái Việt Nam.
Vẻ đẹp Ý điển hình lãng mạn và quyến rũ ấy ngày hôm nay đã hiển hiện thật sự trước mắt, nhưng tạm thời đang bị cơn đói bụng làm lu mờ. Bữa trưa muộn giản dị như một cư dân Firenze bản địa bất kỳ nhưng không hề thiếu phong vị điển hình của ẩm thực Italy.
Ông chủ dọn phần ăn lên chiếc bàn nhỏ được biến thể từ một tấm gỗ mảnh gắn giá vào tường, kèm 4 chiếc ghế quầy, trên tường và trên tủ kính dán chi chít các biển hiệu giới thiệu về món ăn và giá cả, viết bằng tay.
Porchetta – món thịt heo quay đặc trưng của người Ý được bán theo ký, 2,79 eur/100g, giá bán cho dân thường.
Một rổ bánh mì thơm phức, một đĩa thịt heo quay thái lát mỏng, thái bằng máy chuyên biệt, mấy lát phomai các kiểu và dăm quả ô liu ngâm dầu kèm một cốc rượu vang.
Tôi chạy qua hàng hoa quả mua về một hộp dâu tây tươi roi rói, trời ơi, mới thấy bữa trưa thịnh soạn với giá cả thật “siêu phượt”, chưa đến 9 eur.
Lát thịt Porchetta thái mỏng khiến tôi nhớ về câu chuyện hài thời sinh viên ký túc xá những năm cuối thế kỷ 20.
Là nói mỏng thế, chứ tất nhiên không thể mỏng như miếng thịt lơ lửng trên không không thể rơi xuống đất vì quá nhẹ trong câu chuyện cười xưa kia, đủ để phần mỡ nguội mang vị ngầy ngậy tan ra trên đầu lưỡi mà không ngán, cho một kẻ vốn rất ghét và sợ thịt mỡ như tôi.
Nhấp một ngụm rượu vang vùng Tuscana, dù không biết là loại rượu được ủ từ loại nho nào và trong bao nhiêu năm, nhưng với sắc đỏ sóng sánh trong cốc và chất tannin bám trên viền môi, đầu lưỡi và cuống họng, thật không thể không thốt lên một lời cảm thán đầy sảng khoái.
Porchetta có vị đậm đà của muối, tiêu, tỏi và hương thơm lá hương thảo, cùng những bí quyết gì nữa thì chỉ có chủ nhà hàng mới biết.
Thực khách lạc bước như chúng tôi, chưa kịp ăn hết bánh mì, phomai, uống nốt cốc rượu thì món thịt heo quay đã sạch banh! Vậy là phải gọi ông chủ mua thêm vài lạng nữa, ăn cho đã thèm.
Trong lúc đợi chủ hàng thái thêm những lát thịt quay kiểu Ý, hào hoa và tinh tế, lãng mạn và độc đáo, tôi tò mò ngắm quầy hàng.
Súc thịt Porchetta lớn nằm ngang trong quầy, được cuộn tròn như làm bánh plan, với những sợi dây quấn dọc theo chiều dài, lớp bì đã được nướng trong lò đến 6 tiếng căng phồng màu nâu đỏ.
Tuy nhiên, khi cắt lát thịt, chủ hàng sẽ lợt bỏ lớp bì này, có lẽ vì theo thời gian, lớp bì sẽ trở nên bớt giòn và dai, khác hẳn với cách thưởng thức Porchetta mà chúng tôi có dịp ăn sau này.
Porchetta ăn với bánh mì, phomai, rượu vang và tráng miệng bằng dâu tây ngay giữa chợ trung tâm của một đô thị sầm uất Firenza. Bên ngoài kia, những nhà hàng đầy ắp thực khách đến từ khắp nơi trên thế giới với những món ăn sang trọng đắt tiền.
Còn ngay trong lối đi phía sau lưng chúng tôi, du khách vẫn đang rảo bước ngang qua, vừa quan sát chợ vừa tò mò ngắm nhìn hai kẻ châu Á da vàng tóc đen đang đắc chí ngồi thưởng thức bữa trưa muộn của mình.
Cô gái bé con chủ hàng mang mấy tờ giấy vẽ ra ngồi cạnh tôi, dù không hiểu tiếng Anh nhưng rất thân thiện và lịch thiệp, cố gắng giao tiếp với khách bằng những câu tiếng Ý đơn giản nhất.
Được tiếp xúc với người dân địa phương, ăn và sống như người Firenze, dù chỉ qua một bữa trưa nhỏ, cũng khiến tôi thấy lòng phấn khởi, quên đi những điểm không hài lòng về điểm đến nổi tiếng và luôn ngập tràn khách du lịch bên ngoài.
Sau này khi di chuyển trên đất Ý, chúng tôi cũng có nhiều dịp “lại ăn” Porchetta, chắc cũng một phần vì quá thích món heo quay vừa gần gũi vừa mang phong cách Ý này.
Thế giới có nhiều món thịt heo quay được chế biến theo quy trình khá giống nhau, dù là Việt Nam, Babi Guiling ở Bali hay là Porchetta ở Ý. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu phải thật “xịn”, chọn kỹ thì miếng thịt mới ngon, hẳn rồi.
Tiếp đến là tẩm ướp gia vị. Và rồi cho vào lò quay. Vậy điểm khác biệt để làm ra hương vị đặc trưng khác nhau của mỗi vùng là gì? Ấy chắc chắn là từ gia vị. Mỗi vùng đất sẽ có cách tẩm ướp khác nhau, để tạo ra nét độc đáo truyền thống riêng cho món ăn của mình.
Người Ý thường chuẩn bị hỗn hợp nhân để nhồi vào tảng thịt lớn lớn gồm có lá hương thảo, thì là, tiêu đen, muối, tỏi, thậm chí cả gan, tim, phổi bằm nhỏ. Hỗn hợp này được đặt vào giữa tảng thịt và cuộn chặt lại để cho ngấm trong khoảng 1 ngày rồi cho vào lò nướng, không cần quết thêm dầu mỡ, quay liên tục trong chừng 6 giờ.
Giống như người Việt Nam vẫn dùng dây chỉ để cuộn chân giò trước khi luộc, hay cuộn bắp bò để muối, Porchetta cũng được quấn lại bằng những đoạn dây, chia miếng thịt thành nhiều phần chia theo khoảng cách 2 – 3cm cho một phần.
Khi chặt thịt, người bán hàng sẽ căn theo phần dây đã chia đó để cắt thành những tảng thịt lớn bán cho khách hàng.
Không cần phải thái lát mỏng như trong chợ Firenze, cả một tảng thịt quay lớn, cắn ngập miệng, miếng bì vẫn còn nguyên, lá hương thảo có thể dính lại trên ngón tay, hạt tiêu đen chưa vỡ hết cay xè trên đầu lưỡi. Chao ôi là ngon!
Lại còn là một bữa trưa ở một làng quê hẻo lánh vùng Tuscana nước Ý, dưới gốc cây dẻ rì rào. Nắng lạnh. Gió lạnh. Nhưng tiếng cười của bạn đồng hành ấm áp biết bao.
Theo Thủy OCG/Tuổi Trẻ