Sau đêm mưa, cảnh vật núi rừng Gia Lai hiện lên mờ ảo dưới ánh nắng xuyên qua những làn sương ùa về.
Phố núi Gia Lai chìm trong sương sớm
Một góc thành phố Pleiku đoạn cầu Phan Đình Phùng trong sương mù buổi sáng tháng 6. Anh Hoàng Quốc Vĩnh, một tay máy, cho biết sương hòa quyện với mây từ ngọn Hàm Rồng cao trên 1.000 m tràn xuống thung lũng tạo nên “cảnh đẹp tựa chốn thần tiên”.
Quang cảnh Pleiku nhìn từ núi Đá, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km.
Con đường hàng thông – Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh đến cánh đồng Ngô Sơn, núi lửa Chư Đăng Ya được xem là đẹp bậc nhất Gia Lai.
Con đường hàng thông đi qua thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah dài khoảng 800 m với những cây thông trên 100 năm tuổi hai bên đường. Để tới được đây, du khách đi từ ngã tư Biển Hồ về hướng Kon Tum khoảng 3 km rồi rẽ vào đường Lê Văn Sỹ.
Biển Hồ chè ở xã Nghĩa Hưng. Cây chè bắt đầu xuất hiện ở vùng đất này từ những năm 20 của thế kỷ trước. Người dân Pleiku gọi vùng đất này là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp giữa hồ nước ngọt và những đồi chè bạt ngàn, mang đến không gian trong lành, tươi mát.
Chùa Bửu Minh nằm ngay cạnh nương chè là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Tây Nguyên. Anh Phan Nguyên (sống tại Gia Lai) cho biết, những ngày này sương dày đến nỗi hai người chỉ đứng cách nhau vài mét đã không thấy rõ mặt. “Trong cái se lạnh ban mai, hãy thức dậy sớm và thong dong chạy xe đến đồi thông, chùa Bửu Minh để tận hưởng cảm giác như lạc vào tiên cảnh”, anh Phan Nguyên chia sẻ.
Cầu treo Biển Hồ trong sương sớm. Nằm cách trung tâm Pleiku 7 km, Biển Hồ hay hồ T’Nưng là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước, có diện tích 228 ha, bao quanh bởi núi và những khu rừng thông. Hồ nước được xem là biểu tượng du lịch của thành phố Pleiku, đồng thời là một trong những hồ đẹp nhất Tây Nguyên, gắn với câu hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.
Xã Tân Sơn mùa sương mây, điểm đến tiếp theo trên con đường du lịch của Gia Lai sau khi đi qua Biển Hồ chè.
Theo Huỳnh Phương/Vnexpress