Tên gọi Phố Hiến bắt đầu có từ thế kỷ XV trong công cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông. Từ đó nơi đây trở thành thương cảng vô cùng sầm uất của xứ Đàng Ngoài.
Phố Hiến Hưng Yên – Di sản vang bóng một thời
“Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến“, câu ca xưa thể hiện rất rõ sự phát triển của những khu trung tâm đặc biệt của Đàng Ngoài. Nơi đây phồn thịnh là nhờ vào điều kiện tự nhiên, đô thị ngã ba sông, nơi sông Hồng gặp gỡ sông Luồng, thông với sông Thái Bình.
Do điều kiện tự nhiên lý tưởng đó, Phố Hiến là nơi tập trung các luồng hàng quốc nội và quốc ngoại. Không chỉ thế nơi đây còn là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long. Do đó phố luôn tấp nập thuyền bè qua lại, giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Khu vực Phố Hiến xưa nằm trải dài theo đê tả ngạn sông Hồng, tức là từ Đằng Châu phường Lam Sơn đến Mễ Châu xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên ngày nay.
Vào thời vàng son, nơi bán buôn trù phú nhất là ở các phố phường của Hoa Kiều và người Nhật Bản. Người Nhật chủ yếu đổi bạc, đồng lấy tơ lụa và để lại địa danh Bắc Hòa, Nam Hòa là những khu vực sầm uất nhất của Phố Hiến. Vì trong ngôn ngữ cổ, chữ Hoa là Trung Quốc, Hòa là Nhật Bản.
Người Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng đến Phố Hiến rất sớm. Sau đó người Pháp cũng theo sông Hồng đến đây để buôn bán truyền đạo. Năm 1680, họ lập thương điếm ở thương cảng này cùng với các thương điếm Anh, Bồ Đào Nha… Vừa giao thương, người Pháp vừa xây dựng các công trình mà đến nay vẫn còn vết tích.
Trong thời gian hưng thịnh, đã có nhiều giao thoa sinh học, văn hóa giữa các tộc người châu Á và châu Âu, góp phần thúc đẩy văn hóa Việt Nam. Cùng với Thăng Long, Phố Hiến trở thành trung tâm văn hóa hàng đầu của Đàng Ngoài và cả Đại Việt.
Phố Hiến là tiền đồn kiểm soát tàu thuyền đến Thăng Long, cũng là nơi trung chuyển hàng hóa ở khắp mọi miền, trao đổi, phân phát đến mọi nơi. Cùng với bến cảng sông là các khu chợ khá sầm uất như chợ Vạc ở bến Xích Đằng, chợ Hiến bên cạnh lỵ sở Sơn Nam, chợ Bảo Châu…
Người có công xây dựng Phố Hiến phồn thịnh thời bấy giờ là trấn thủ Lê Đình Kiên. Năm 1664, ông tuân lệnh triều đình ra làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Ông có công lao mở mang Phố Hiến và dẹp yên bọn cướp biển Tàu Ô.
Lê Đình Kiên không những có tài cai trị mà còn giỏi thương nghiệp, ngoại giao. Ông đã tiếp quản Phố Hiến trong nhiều năm, người dân luôn được ấm no thanh bình. Lúc ông mất, cả người Việt và người nước ngoài đều lập bia tưởng nhớ ông.
Sang đầu thế kỷ 18, Phố Hiến bước vào quá trình suy thoái, biểu hiện rõ nhất là sự sa sút trong các hoạt động buôn bán với nước ngoài và sự di cư của một số bộ phận cư dân lên thành Thăng Long.
Phố Hiến hiện có gần 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh, gần 100 bia ký và hàng cổ vật có giá trị. Tất cả đều minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của “tiểu Tràng An” xưa, là di sản vô giá của nhân loại.
Theo iVIVU.com