Nằm ở nhánh núi thuộc cánh cung Đông Triều, ở điểm giáp ranh giữa ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Phật Sơn là một ngọn núi nhuốm màu Phật giáo Việt Nam. Ngoài núi Yên Tử thì vùng Phật Sơn chính là nơi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành đắc đạo. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng rừng núi này cảnh sắc hùng vỹ, nên thơ khiến bao người phải nao lòng…
Phật Sơn nao lòng lữ khách
Ngày nay có một con đường mang tên vua Trần Nhân Tông chạy thẳng từ ngã tư Đông Triều vào di tích đền An Sinh. Từ đền An Sinh chúng tôi thẳng tiến con đường bê tông qua nhiều làng mạc hướng lên núi Phật Sơn. Hồ Trại Lốc bình lặng, trong xanh nằm dưới chân núi như tấm gương khổng lồ phản chiều rừng xanh mây trắng. Chút thanh bình của cảnh vật càng tạo cho chúng tôi cảm hứng thích thú về chuyến thượng sơn đất Phật.
Đến đầu năm 2016, con đường bê tông từ hồ Trại Lốc lên đến gần am Ngọa Vân đã hoàn thành, góp phần giúp du khách bớt được một đoạn leo núi Phật Sơn khi du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh vùng đất này. Hành trình này có ba sự lựa chọn. Nếu đi trong ngày thì du khách đến am Ngọa Vân rồi quay lại.
Nếu hai ngày thì khám phá am Ngọa Vân rồi vòng sang chùa Hồ Thiên nằm giữa lưng chừng núi Phật Sơn. Nếu đủ sức khỏe và thời gian khoảng 4 – 5 ngày thì có thể chinh phục chùa Hồ Thiên rồi vòng sang sườn tây núi Phật Sơn thuộc địa phận huyện Lục Nam, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp một vùng đất sơn thủy hữu tình.
Chúng tôi quyết định khám phá trọn dãy Phật Sơn. Trên đường lên am Ngọa Vân, chốc chốc lại bắt gặp một con suối nhỏ chảy ngang. Suối trong vắt nhìn thấy sỏi dưới đáy. Cây cổ thụ trong cánh rừng nguyên sinh Phật Sơn xuất hiện càng lúc càng nhiều. Bên những bậc đá rêu phong là hoa dại bung nở suốt bốn mùa. Am Ngọa Vân hiện còn lưu giữ được tháp Phật Hoàng có niên đại hơn 700 năm. Chúng tôi dừng lại ở am để thưởng thức cơm chay nhà chùa trước khi đợi ngày mới để chinh phục những cung đường tiếp theo.
Từ am Ngọa Vân sang chùa Hồ Thiên là một cung đường với nhiều trải nghiệm rất thú vị. Chúng tôi đi men qua nhiều mỏm núi với những cánh rừng mới trồng rồi đến thảo nguyên xanh bao la. Đoạn đường từ am Ngọa Vân sang chùa Hồ Thiên tuy xa nhưng tương đối bằng phẳng, khá dễ đi. Khi ánh bình minh lên, mây trắng bồng bềnh, lững lờ quanh những mỏm núi này càng làm cho cảnh sắc nên thơ.
Sau hơn 4 giờ đi bộ từ am Ngọa Vân sang chùa Hồ Thiên, chúng tôi bắt gặp một bãi đá ngổn ngang, có phiến lớn bằng một gian nhà, xếp chồng lên nhau, cao vút. Chính vì thế khu này được người ta đặt tên là Bãi Đá Chồng. Đây cũng là điểm vọng cảnh không thể tuyệt vời hơn cho những ai một lần đi qua.
Đến chùa Hồ Thiên, cảnh vật hiện ra có phần xót xa bởi sự hoang tàn. Nền móng cũ của ngôi chùa mà Đức Phật hoàng ngày xưa từng đến thuyết pháp giờ chỉ là phế tích, chỉ còn lại bảo tháp xây bằng đá cao 7 tầng với tượng Phật màu trắng ở các ô cửa. Khu vực chùa Hồ Thiên có một ngôi chùa nhỏ, tạm bợ. Có một nhà sư tên Thái An tu ở đây. Xung quanh còn sót lại vài mộ tháp được xây bằng gạch nung – nơi an táng các vị cao tăng, thiền sư.
Sau khi thăm chùa Hồ Thiên hoang sơ giữa núi rừng Yên Tử, chúng tôi quyết định ngủ lại ở đây một đêm để lấy sức ngày mai đi tiếp. Chúng tôi ngồi bàn tán về tên núi Phật Sơn, mà theo giải thích của nhà sư ở chùa Hồ Thiên thì đơn giản là núi của chốn Phật. Cái tên ấy cũng xuất hiện từ khi Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và các vị thiền sư tìm về núi lập chùa, am để tu hành.
Sáng hôm sau, từ chùa Hồ Thiên chúng tôi theo đường mòn xuyên qua những tán rừng già rồi leo lên đỉnh Sân Trời cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển. Đỉnh Sân Trời núi Phật Sơn cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Trên đỉnh Sân Trời có một khu vực bằng phẳng, khá rộng, mà theo một người dân đia phương đi rừng thì do ở gần trời nên mới có cái tên như vậy. Đồng bào Cao Lai, Tày, Nùng nơi đây còn gọi khu vực này là Lái Cỏ. Ở Sân Trời có những phiến đá lớn với nhiều hình thù ngộ nghĩnh khiến ai nấy tò mò, thích thú. Có phiến đá y như hình con rùa khổng lồ.
Nhiều người đã không bỏ lỡ cơ hội leo lên hòn con rùa ấy ngả lưng vài phút, hay “tự sướng” với bức ảnh làm kỷ niệm. Trên đỉnh Sân Trời bát ngát mây bay, gió thổi làm con người cảm thấy khoan khoái và được thư giãn hoàn toàn.
Từ đỉnh Sân Trời chúng tôi xuống cánh rừng nguyên sinh bên sườn tây dãy Phật Sơn thuộc địa phận huyện Lục Nam và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Quả thực đúng với từ nguyên sinh, khu rừng ở đây hầu như chưa bị tác động bởi con người và bởi trào lưu du lịch. Đi được khoảng hơn một kilômét, đường rừng hiểm trở, bắt gặp một khe nước với cái tên Khe Giót độc đáo. Những tia nước li ti bắn ra, va đập vào vách đá tạo ra vẻ đẹp khác lạ. Dù mùa mưa hay mùa khô, nước ở khe đều rất ít.
Theo như người địa phương thì Khe Giọt là thượng nguồn của dòng suối Nước Vàng. Đúng như tên gọi, con suối có màu nước vàng như mật ong rừng.
Trên đường đi còn bắt gặp bao điều thú vị khác, từ những khóm cây mọc ở vách núi đến những tảng đá mang hình thù kỳ quái, lạ mắt, tất cả như hòa cùng tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách.
Sườn tây của Phật Sơn, hơn 700 năm trước, Tuấn Mậu, Sơn Động có được tiên khí của trời đất nên xuất hiện nhiều thiếu nữ đẹp. Để giao kết hữu hảo với những tù trưởng trong vùng, quan lại triều Trần đã mang nhiều cô gái dân tộc Dao, Cao Lan ở đây về kinh thành làm vợ, làm thiếp. Ngày nay đến vùng đất này sẽ bắt gặp vẻ đẹp rất ấn tượng của thiếu nữ vận trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội.
Qua núi Phật Sơn rồi chúng tôi càng thấy muốn phát triển du lịch thì cần phải giữ nguyên cảnh sắc tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống người dân địa phương. Chỉ có như thế Phật Sơn mới trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn – chốn thiêng thứ hai sau Yên Tử trường tồn…
Theo Nguyễn Hường/Doanh Nhân Sài Gòn