Trên đảo Trobriand của Papua New Guinea, tiền lá chuối phổ biến hơn đồng tiền hiện đại của nước này, và được dùng trong nhiều nghi lễ, đặc biệt được xem là sính lễ trong đám cưới.
Đảo Trobriand, nơi tiền làm từ lá chuối
Đảo Trobriand là một quần đảo thuộc tỉnh Milne Bay, phía đông Papua New Guinea. Đảo chính có tên Kiriwina dài 43km, chỗ rộng nhất được 16km với khoảng 60 làng cùng 12.000 người sinh sống.
Tiền hiện đại chỉ mới được đưa vào sử dụng gần đây với số lượng không đáng kể. Lý do là cuộc sống của người dân nơi đây gần như chỉ khép kín trên đảo, trao đổi hàng hóa trực tiếp, hoặc xài tiền truyền thống bằng lá chuối khô và vỏ ốc biển.
Doba là tên của loại tiền truyền thống của người dân trên đảo này. Đầu tiên người ta ma sát lá chuối tươi trên tấm gỗ được khắc hoa văn. Tấm ván này được làm từ gỗ của cây Kwila, được người chồng tự tay đục đẽo rồi tặng cho vợ trong ngày cưới. Sau khi trụng qua nước sôi, những tấm lá này được phơi cho thật khô rồi ghép lại thành từng bó.
Họ thường ghép 50 lá thành 1 bó có giá trị tương đương với 5 kina (đơn vị tiền tệ hiện đại của Papua New Guinea). 5 kina tương đương 1 euro (khoảng 26.000 đồng).
Người dân trên đảo Trobriand có thể mang cả bó lá chuối khô này (Doba truyền thống) để đi đổi lấy rau, khoai, cá, thịt…
Tiền lá chuối được sử dụng trong nhiều nghi lễ, đặc biệt được xem là sính lễ trong đám cưới.
Theo sự phân công lao động từ xưa đến nay, làm ra Doba là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Đàn ông làm những công việc nặng nhọc hơn như trồng khoai mỡ (lương thực chính ở đây), trồng trọt, săn bắt, đánh cá…
Theo Chung Thanh Huy/Tuổi trẻ