Những chiếc lá sen phủ lên nón mang theo trọn vẹn hồn dân tộc trở thành sản phẩm thủ công tinh tế và vô cùng độc đáo dành tặng du khách khi đến Huế.
Nón lá sen – Vẻ đẹp thanh khiết truyền thống xứ Huế
Đi dọc mảnh đất hình chữ S ta dễ dàng bắt gặp nhiều đầm sen tỏa hương thơm ngọt ngào khi vào mùa, hoặc xanh ngát khi sen kết hạt bùi béo. Cuộc sống càng náo nhiệt, càng đủ đầy người ta càng mong muốn hòa mình vào thiên nhiên thư thái.
Nếu như hoa sen là một hình tượng đặc trưng trong văn học nghệ thuật dân tộc thì lá sen cũng có đời sống riêng của nó. Lá sen không những đi vào thơ ca, mà còn đi vào cả nghệ thuật ẩm thực, Đông Y và tạo hình.
Vì thế một thanh niên ở Cố đô Huế, với lòng yêu xứ Huế giàu truyền thống văn hóa và cùng với sự mày mò học hỏi, sáng tạo, đã làm ra những chiếc nón lá hoàn toàn bằng lá sen tươi. Chiếc nón lá sen từ đó trở thành món đồ lưu niệm rất đặc biệt không nơi nào có được.
Phải mất nhiều thời gian thử nghiệm, nghiên cứu nhiều loại nón lá, Nguyễn Thanh Thảo, cựu sinh viên khoa đồ họa tạo hình trường Đại học Mỹ Thuật Huế – mới thành công với việc tạo độ bền cho lá sen, để lá sen hiện diện trên lớp lợp ngoài cùng của chiếc nón Huế.
Từ lá sen bình thường, Thảo xử lý lá qua các công đoạn: ủ lá bằng nước javel, phơi khô, ủi lá để cho ra một lá sen đáp ứng khâu chằm nón. Bàn tay khéo léo của những người thợ làng nón truyền thống Đốc Sơ, Huế, càng góp thêm vào sự tinh tế và độ bền của chiếc nón lá sen.
Với một lớp sơn bóng bảo vệ, sau khi phơi dưới nắng lần cuối, nón lá sen đã hoàn thành. Những đường vân đa dạng, độc đáo của lá sen chạy khắp thân nón đem lại sự thú vị cho người dùng.
Khi nón lá hoàn thiện, có thể vẽ các họa tiết lên nón tạo sự bắt mắt cho thành phẩm. Hoặc cũng có thể nhuộm lá để tạo màu sắc mĩ miều. Để hoàn thành một chiếc nón lá, phải trải qua ít nhất 5 công đoạn khác nhau.
Trong cuộc giao lưu văn hóa Việt – Hàn tại bảo tàng nghệ thuật thêu XQ Huế, những chiếc nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo là món quà lưu niệm mang bản sắc Huế dành tặng các nghệ sĩ xứ kim chi.
Từ một ý tưởng bay bổng dẫn đến một sản phẩm thủ công hoàn toàn mới, Nguyễn Thanh Thảo dự định tiếp tục đưa lá sen vào những chiếc đèn ngủ, lọ hoa mang bản sắc sáng tạo riêng của người nghệ sĩ xứ Huế.
Đến nay, các sản phẩm đèn ngủ, quạt xếp, bình hoa và tranh ảnh, tất cả đều có bóng dáng của sen. Việc khó nhất khi sử dụng lá sen là làm sao cho lá dẻo dai và không bị ẩm mốc. Công đoạn đòi hỏi sự tìm hiểu, nghiên cứu rất kỳ công.
Với chiếc nón lá sen đặc biệt, Nguyễn Thanh Thảo đã giành giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018. Đây chính là nguồn động viên cho người thanh niên trẻ đã tự tìm hướng đi mới trong việc phát triển sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du lịch.
Cùng với nhiều đặc sản từ sen, những món quà lưu niệm bằng lá sen sẽ góp phần tôn vinh những giá trị của sen Huế, đồng thời tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm du lịch của vùng đất Cố Đô.