Mục lục
Nạn hiếp dâm, bão lũ, bất ổn chính trị là những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Phillipines, Thái Lan… phải đau đầu với bài toán du lịch.
1. Ấn Độ – nạn hiếp dâm
Theo các thống kê, cứ 22 phút có một vụ hiếp dâm tại Ấn Độ và tỷ lệ hiếp dâm ở thủ đô New Delhi là cao nhất cả nước. Không chỉ nhắm vào phụ nữ Ấn Độ, mà nạn hiếp dâm còn xảy ra với cả nữ du khách nước ngoài. Mới đây, một nữ du khách người Mỹ bị một tài xế xe tải và hai đồng phạm hiếp dâm tập thể suốt một giờ vào ngày 3/6 sau khi cô xin đi nhờ xe tại thị trấn Manali.
Trước đó, vào tháng 3, một du khách London bị chính ông chủ khách sạn tấn công tình dục tại thành phố Agra khiến cô phải nhảy từ tầng 3 xuống đất. Vụ việc này xảy ra ít ngày sau khi một phụ nữ Thụy Sĩ bị 6 nông dân cưỡng hiếp khi đang đạp xe cùng chồng trong một chuyến du lịch tại Ấn Độ. Nạn hiếp dâm ngày một gia tăng khiến du khách, đặc biệt là nữ tỏ ra e ngại khi tới Ấn Độ.
2. Phillipines – bão lũ
Nằm trong vành đai khu vực Tây Thái Bình Dương, Phillipines hàng năm phải hứng chịu trung bình khoảng 19 cơn bão. Năm 2013, Haiyan với sức gió 300 km/h đổ bộ Philippines là một trong những cơn bão kỷ lục có sức tàn phá mạnh nhất từng được ghi nhận. Cơn bão Haiyan trở thành nỗi kinh hoàng không chỉ với người dân mà cả với khách du lịch tại Phillipines.
Các thành phố và làng mạc nằm cách bờ biển 1 km đều bị ngập lụt, khiến xác người nổi lềnh bềnh và những con đường đầy mảnh vỡ, cây cối bị đổ. Khoảng 3.000 du khách đã bị mắc kẹt tại các cảng biển ở Philippines vì giao thông đường thủy bị đình chỉ trong bão. 12 sân bay, trong đó có các sân bay phục vụ cho các đảo du lịch nổi tiếng như Palawan, Bohol và Boracay cũng đã đóng cửa.
3. Thái Lan – bạo động
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã diễn ra từ đầu tháng 11/ 2013. Một số cuộc biểu tình đã bùng phát thành bạo động làm nhiều người chết và bị thương. Tình hình chính trị bất ổn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội của người dân nơi đây, đặc biệt là du lịch.
Một số nước đã khuyến cáo công dân của họ cẩn trọng khi du lịch tới Thái Lan. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã phải mời Đại sứ các nước tại Thái Lan đến Bộ Ngoại giao nhằm giải thích rõ tình hình. Theo tính toán của giới chức Thái Lan, biểu tình đã làm giảm 350.000 khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan trong tháng 11 vừa qua.
4. Mỹ – đóng cửa chính phủ
Do thất bại trong việc thống nhất ngân sách cho năm tài khóa mới, chính phủ Mỹ đã buộc phải đóng cửa ngày 1/10. Kéo theo đó, nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí ở Mỹ cũng phải ngừng đón khách gồm bảo tàng Smithsonian, Vườn thú Quốc gia ở Washington, Tượng Nữ thần Tự do và Đảo Ellis ở New York, Hội trường Độc lập ở Philadelphia, đảo Alcatraz gần San Franciso và Đài tưởng niệm Washington…
Mặc dù sau 2 ngày, nhiều điểm du lịch như tượng Nữ thần Tự do và Công viên quốc gia Grand Canyon đã mở cửa trở lại nhưng điều này khiến không ít du khách hoang mang khi đến Mỹ. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây đúng dịp này đã không có được một kỳ nghỉ như mong muốn.
5. Cửu Trại Câu – trả lại vé
Khu du lịch Cửu Trại Câu có thể đón tiếp trung bình khoảng 23.000 lượt khách mỗi ngày, nhiều nhất có thể lên đến 41.000 lượt khách. Tuy nhiên, 7 ngày nghỉ lễ quốc khánh trùng với thời gian Cửu Trại Câu đẹp nhất trong năm khiến lượng khách du lịch ghé thăm tăng đột biến, gây ùn tắc, giao thông bị tê liệt nhiều cây số.
Tình trạng đông đúc khiến hơn hai nghìn du khách bị mắc kẹt, biểu tình đòi trả vé. Ban quản lý Cửu Trại Câu đã phải xin lỗi và hoàn lại tiền vé cho khách du lịch. Khoảng 12.000 chiếc đã được trả lại và tổng số tiền hoàn lại cho khách du lịch lên tới gần 13 tỷ đồng.
6. Lào – tai nạn giao thông
2013 cũng là năm xảy ra nhiều vụ tai nạn ở Lào, làm nhiều khách du lịch thiệt mạng, trong đó có du khách Việt Nam. Ngày 21/4, một chiếc xe khách chở hơn 30 du khách Việt Nam đi du lịch tour Lào – Thái Lan trong 7 ngày gặp tai nạn rất nghiêm trọng khi vừa đi qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Mới đây nhất, chiếc máy bay ATR-72 của hãng hàng không Lao Airlines đã gặp nạn trong lúc bay từ thủ đô Vientiane tới thành phố Pakse, tỉnh Champasak ngày 16/10. Toàn bộ 5 thành viên phi hành đoàn và 44 hành khách tới từ 11 quốc gia trên chuyến bay đã tử nạn, trong đó có 2 hành khách là người Việt Nam.