17-01-2024 10:30

Những nẻo đường vắng bóng ngày 8/3

Những nẻo đường vắng bóng ngày 8/3

Mỗi dịp 8/3, trong khi chị em miền xuôi nào khăn váy xênh xang, nào hội hè, chúc tụng, thì ở đâu đó nơi miệt rừng khuất nẻo, những người phụ nữ Mông, Dao, Tày, Thái vẫn cặm cụi mang dao, đeo gùi vào rừng kiếm miếng ăn.

Ước mơ của họ trong ngày Quốc tế phụ nữ đôi khi chỉ là một bữa no…

Một người đàn bà và 9 miệng ăn!

Những đứa con “trứng gà, trứng vịt” của May

Những đứa con “trứng gà, trứng vịt” của May

Khi đặt chân đến những miền rừng vời vợi xa xôi, cách trở, đôi lúc tôi lẩm cẩm tự hỏi rằng, ở nơi thâm sơn cùng cốc vắng lặng, cách xa với thế giới văn minh như thế này thì con người ta biết tìm đâu ra niềm vui sống? Liệu có một lúc nào đó họ cảm thấy tù túng, bức bối trước bịt bùng mây núi để rồi cố gắng cuồng quẫy hay không? Nhất là với những người phụ nữ, họ sẽ phải làm gì để thoát khỏi cảnh ngày ngày mò mẫm kiếm ăn nơi rừng thiêng nước độc, rồi đêm về lại gà gật bên nồi rượu sôi xình xịch trong xó bếp để phục vụ những đức ông chồng lười nhác với sương mờ non cao?

Hỏi là hỏi thế thôi, chứ nhiều khi câu trả lời đã có trong những con mắt cắm cúi cả đời không dám ngước nhìn lên của người phụ nữ vùng cao. Dường như họ sinh ra đã được thượng đế “trang bị” sẵn cho khả năng cam chịu. Nó như một thứ bản năng. Cứ đời này qua đời khác, bản năng đó không hề phai nhạt. Tất cả phần nào khởi nguồn từ cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Nghèo ăn và nghèo chữ.

Đã có rất nhiều phương cách được đưa ra nhằm cứu giúp đồng bào miền núi thoát nghèo, như đưa giáo viên lên cắm bản, mời cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn bà con kỹ thuật cây trồng. Nhưng, thành quả đạt được còn nhiều hạn chế. Con chữ đã được gieo xuống trên nhiều miền đá, nhưng ấm no, hạnh phúc hay thoát khỏi kiếp nghèo vẫn là một cái gì đó quá xa vời. Phần nữa là vì những người dân hiền lành ẩn dật trên núi cao, rừng sâu, giữa bạt ngàn thiên nhiên hoang dã; nơi ấy người thưa đất ít, đá cứng lổn nhổn dốc đứng, chắn mọi lối đi như thể một hoang đảo cách biệt với văn minh con người, họ đã quá quen với cái chuyện sống thanh thản với mây ngàn, mặc dù cuộc sống đó có muôn vàn khốn khó.

Thế cho nên, năm này qua năm khác, bất kể ngày thường hay 8/3, những người phụ nữ Mông, Dao, Tày, Thái vẫn lặng lẽ mang dao, đeo rìu vào rừng kiếm cái ăn. Bản vắng hoe, chỉ còn lại dăm người đàn ông, hông lệch vì địu con. Đám trẻ nằm ngoan ngoan trong địu ấy, chúng chưa đủ lớn để có thể xuyên rừng cùng mẹ. Còn những đứa lớn hơn đang ở tuổi đến trường thì vừa thấy bóng cô giáo đã trốn biệt sau nách núi.

Tôi nhớ lần đến Sín Thầu cách đây mới dăm bảy mùa trăng. Hôm đó, sau khi vượt qua gần 100 km đường một bên là núi, một bên là vực thẳm lèn chặt mây mù, đến nơi thì mặt trời cũng vừa đứng bóng. Cả bản chỉ vài nhà lên khói. Hỏi trưởng bản Vàng A Tếnh, bảo, đi rừng hết rồi, có gì ăn đâu mà nổi lửa!? Nhà đói nhất bản là nhà Lý Thị May. Mái tranh vọc vạch, cửa lớn cửa bé mở thông thống, gió lồng lộng thốc vào, tường vách rách tả tơi, ngửa cổ thấy lốm đốm trời. Nhìn kỹ, chỉ có bộ ván đằng trước, chỗ dùng để tiếp khách là lành lặn. May năm nay mới 32 tuổi nhưng đã có đến 7 đứa con. Cả 7 đứa đều đen đúa, cóc cáy như nhau. Trong khi May vừa địu cậu con trai út mới vài tháng tuổi, vừa đánh vật với đám lúa trên nương thì chồng May, Vừ A Sáng đang ngúc ngoắc bên chai rượu đã vơi đi hơn nửa. Cả đời May, chưa từng bước qua đỉnh núi trước nhà.

Một người đàn bà nuôi đến 9 miệng ăn, có tài mấy cũng khó bề kham nổi. Nhà May rơi vào cảnh thiếu đói triền miên. Đói đến mức tất thảy mấy đứa con lớn bất kể nắng mưa, ngày nào cũng vào rừng. Rừng cạn kiệt, chúng lại tha thẩn quanh bản, nhặt bất cứ thứ gì có thể bỏ miệng và đi hóng hàng xóm mỗi độ cơm lên khói. May ngoài 30, người còm cõi, phất phơ như cái dải khoai, duy chỉ có cái bàn chân là to, ngón xòe ra như người Giao Chỉ. Và, cũng thật khó lý giải là ngần ấy trong gia đình May buổi tối sẽ nằm thế nào để ngủ khi nhà không chiếu, không giường?!

Trưởng bản Vàng A Tếnh gãi đầu gãi tai bảo, ở đây nhà nào chả thế! Bởi, cái khó là ở chỗ từ ngàn năm nay, đồng bào ở đây không có khái niệm vườn tược. Tất cả sinh nhai đều trông cả vào mấy nương lúa mà đá nhiều hơn đất. Còn vườn, thứ cây trồng duy nhất của họ là những cây gừng và cỏ dại. Thế cho nên, gừng cùng với ớt là thứ gia vị thường thấy trong những bữa ăn.

Kiếp má hồng trên biển đá

May làm tôi nhớ đến Và Thị Mỷ. Mỷ quê bắc ải Hà Giang, nơi mà khi nhắc đến, người ta không chỉ hình dung về vẻ đẹp hùng vĩ của đá, mà còn là những trăn trở về sự nghèo khó, hoang sơ. Mảnh đất ấy, thao thiết những dòng sông đá dường như không có khởi đầu và kết thúc, đâu đâu cũng nhức nhối một gam màu xám xịt. Nhà Mỷ cũng nghèo khó, cũng tranh tre vọc vạch, nhưng Mỷ đẹp. Thật khó để hình dung, Mỷ đã lớn lên, đã khoe sắc trên cái vùng đất mà cách đây mới vài năm, đường vẫn khảm lơ lơ giữa núi rừng, đường chỉ bé bằng bụng ngựa. Vậy mà Mỷ vẫn xinh đẹp và toả hương trên đá. Có một cái gì hơn cả nhan sắc lan toả từ cô gái người Mông.

Kể từ khi bước chân về nhà chồng, Mỷ phải lo “kéo cày trả nợ”.

Kể từ khi bước chân về nhà chồng, Mỷ phải lo “kéo cày trả nợ”.

Và, cũng như bao thiếu nữ con nhà sơn dân khác, 16 tuổi Mỷ lấy chồng. Chồng Mỷ, một gã trai lực điền nhiều sức vóc. 7 năm làm vợ, Mỷ sinh liền 4 đứa con. Miếng cơm, manh áo ghì sát đất biến Mỷ thành người đàn bà khác. Lâu lắm rồi cô không còn nghe dân bản khen mình đẹp. Đến chiếc gương con mua chợ huyện ngày chuẩn bị lấy chồng, Mỷ cũng giấu dưới đáy hòm. Nó như hạt thóc bị bỏ quên. Và nhan sắc của Mỷ, đã dần bị chôn vùi trong những khoảnh nương xa ngút ngàn trên biển đá tai mèo.

Ở Mèo Vạc quê Mỷ, khi người con gái về nhà chồng, ngoài trách nhiệm sinh đẻ ra những đứa trẻ nối dõi tông đường, họ còn phải quán xuyến hầu khắp mọi công việc trong nhà. Từ nồi cám chăn lợn, bó cỏ cho bò, đến việc đi rừng hái măng, hái nấm…, có khi từ sáng sớm đến tối mịt họ cũng chả nhớ rằng mình đã làm những việc gì. Hơn nữa, bởi khi cưới Mỷ về làm vợ, gia đình nhà chồng đã phải vay mượn, chạy vạy rất nhiều. Thế nên giờ Mỷ phải gánh trách nhiệm “kéo cày trả nợ”.

Từ mấy năm nay, trong bữa ăn của gia đình Mỷ thì cơm, chứ chưa nói đến thịt, vẫn là thứ gì đó xa xỉ, nó giống như một ước mơ. Người bản Mỷ xưa nay sống dựa cả vào ông giời. Mưa thuận gió hòa thì có ngô để ăn đủ trong vài tháng, còn đâu là… giáp hạt. Những đứa trẻ thịt da ngoang nguếch lang thang cửa rừng, kiếm được gì ăn nấy. Không có thì nhịn. Thế giới của chúng ngập tràn trong đói khát. Mấy lần cô giáo cắm bản đến nhà bàn chuyện góp gạo nuôi thằng lớn ăn học, Mỷ chỉ im lặng nhìn mãi, nhìn sâu vào bức tường trình đất. Cô giáo lặng lẽ ra về.

Thế cho nên, đã có lần tôi được một cô giáo cắm bản nói rằng, sự nghiệp khai trí ở miền núi, ở vùng sâu vùng xa, vì thế, phải bắt đầu bằng việc đánh vật với cái đói, bằng việc xóa đi sự hoang dại trong ánh mắt những đứa trẻ, rồi mới đến việc dạy. Bởi, suy cho cùng, khi người ta đói, người ta chỉ nghĩ đến việc làm no cái bụng, ngay cả trong những cơn mơ.

Tính đến giờ, đứa con nhỏ nhất của Mỷ cũng vừa 3 tuổi. Hàng ngày, thứ đồ chơi duy nhất của nó là cái bậu cửa mà mỗi khi trời mưa lại nhão nhào đất đá. Còn 3 đứa lớn, chúng cũng chưa hề có thói quen đi dép. Những bàn chân trần nhỏ bé ngày qua ngày vẫn xéo òm ọp trên bùn đất giữa mây mù giăng bủa, giữa giá rét kim châm.

Có thể nói rằng, cuộc sống của Mỷ cũng như của trăm, ngàn người phụ nữ Mông khác trên những miền rừng khuất nẻo nơi tột bắc là rất khó để người ta có thể hình dung. Lặng lẽ, kiên trì, nhẫn nại. Cuộc đời họ không buồn, không vui, cứ chảy trôi một cách chầm chậm trên cao nguyên đá. Họ như những thân cây ngô, loài cây có lẽ là duy nhất trụ được trên những triền đá xám nơi biên giới. Tuy còi cọc, thấp bé nhưng đầy rắn rỏi. Để bây giờ, khi hoa trạng nguyên vãi màu đỏ rực trên những triền núi xa xa, thì những thân ngô ấy cũng kịp phủ lên mình một sắc xanh.

 

Theo Cẩm Nang Du Lịch iVIVU – Nguồn: Báo Công Lý

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan