Người miền Nam có quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên những điều kiêng kỵ trong đám cưới miền Nam không phải đơn giản là do mê tín mà xuất phát từ truyền thống ông bà ta để lại.
Những điều kiêng kỵ trong đám cưới miền Tây
Kỵ tuổi
Một trong những điều kiêng kỵ trong đám cưới miền Tây phải kể đến đầu tiên là kỵ tuổi. Đây được xem là điều đại kỵ trong đám cưới miền Tây, ngay từ lúc các chàng trai, cô gái dẫn người yêu về ra mắt thì hai bên đã tìm cách xem đôi bạn trẻ có hợp tuổi, hợp mạng hay không. Với những cặp đôi hợp tuổi hoặc trung hòa với nhau thì không có gì phải bàn.
Tuy nhiên có những cặp rơi vào tình trạng tứ hành xung hoặc không hợp mạng với nhau thì đây là điều hạn chế. Khi nghe thầy phán lấy nhau mần ăn không nên, có thể tan vỡ, thậm chí khắc vợ/ chồng,… thì bậc cha mẹ nào cũng sẽ rất lo lắng và phần lớn sẽ cấm cản.
Kỵ ngày giờ
Kỵ ngày giờ cưới cũng là một trong những việc kiêng kỵ trong đám cưới miền Tây. Ngày giờ tốt cho đám cưới phần lớn sẽ phụ thuộc vào tuổi của cô dâu chú rể, năm tổ chức đám cưới và nguyện vọng của hai bên gia đình. Hiện nay, việc chọn ngày cưới, ngày đãi tiệc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lịch của nhà hàng đặt tiệc hay phụ thuộc vào công việc, ngày giờ của bạn bè, quan khách của hai bên.
Với người miền Tây ,việc kỵ ngày giờ cưới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình sau này cũng như sẽ gặp phải nhiều điều xui rủi trong hôn nhân.
Những kiêng kỵ trong thời gian làm lễ và rước dâu
Trong lễ rước dâu theo quan niệm của người dân miền Tây cần làm những điều sau để tránh gặp xui xẻo trong hôn nhân:
Trong phần sính lễ, chú rể chỉ được xé cau trong mâm chứ không được dùng dao cắt.
Khi đi đón dâu, đường đi và đường về phải khác nhau, đi chung một đường sẽ dễ dẫn đến tan vỡ. Lúc nhà trai rời khỏi cổng nhà gái, cô dâu cứ nhìn thẳng về phía trước, tuyệt đối không được ngoảnh đầu lại phía sau.
Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng nhà trai khi đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.
Nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và tuyệt đối không được đeo trước ngày cưới.
Mẹ cô dâu không được theo đoàn đưa cô dâu về nhà chồng và mẹ chồng không được đứng trước cửa rước dâu.
Cô dâu đang mang bầu khi về nhà chồng không được đi vào từ cửa chính. Ông bà ta quan niệm nếu để cô dâu mang bầu đi cửa trước sẽ làm ăn không nên, vì thế cô dâu mang bầu phải đi cửa sau vào nhà.
Theo iVIVU.com