17-01-2024 09:51

Những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội (P1)

Những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội (P1)

Đây là những địa danh góp phần làm nên bản sắc Hà Nội: thanh lịch, cổ kính và chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị trong suốt chiều dài lịch sử. Phần nhiều trong số các điểm đến này nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội và khá gần nhau, bạn có thể lên kế hoạch tham quan bằng xe máy hay thậm chí là xe đạp.

1. Văn miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng vào năm 1070. Đây là nơi diễn ra các cuộc thi tuyển chọn nhân tài từ khắp nơi để tìm ra người xuất sắc cho đất nước. Ở Văn Miếu cũng có khu vực dạy học, và những bia gắn trên rùa đá ghi danh các học giả, tiến sĩ tài giỏi trong suốt các triều đại phong kiến xưa.

Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội

Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ từ tháng 11 – tháng 3 và 07h30 – 18h00 giờ vào những tháng còn lại. Văn Miếu đóng cửa vào ngày chủ nhật. Địa điểm: 58 phố Quốc Tử Giám, Q. Đống Đa, khoảng 2km về hướng Tây từ hồ Hoàn Kiếm. Vé vào cổng: 10.000 VND/lượt, người già trên 60 tuổi: 10.000 VND/lượt.

2. Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn Hà NộiĐược xây dựng vào năm 1911 theo mẫu nhà hát Opera Garnier ở Paris, Pháp nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn. Nhà hát Lớn đã giữ vai trò một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra những hoạt động biểu diễn nghệ thuật opera, âm nhạc dân gian truyền thống, ballet và các bản giao hưởng quốc tế.

Địa điểm: Số 1 Tràng Tiền, Chương Dương, Q Hoàn Kiếm, nằm trên quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Điện thoại liên hệ: 04 39330113/4.

3. Di tích nhà tù Hỏa Lò

nha-tu-Hoa-Lo-Ha-NoiNhà tù được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 để giam giữ tù nhân và cả những tội phạm chính trị. Ngày nay Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ là nơi tham quan cho du khách. Hỏa Lò cũng nằm trong danh sách top 10 nhà tù khét tiếng nhất trên Thế giới.

Địa điểm: Số 1, phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm. Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ. Giá vé: 20.000 VND/lượt, trẻ em dưới 15 tuổi được miễn phí.

4. Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn

Ho-Hoan-Kiem-va-Den_Ngoc_Son

Ho-Hoan-Kiem-va-Den_Ngoc_Son

Dường như tất cả người dân Hà Nội đều tìm đến hồ Hoàn Kiếm để thoát khỏi cuộc sống ồn ào ở thủ đô. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh, giữa hồ có tháp Rùa, trên hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có nhiều di tích lịch sử khác như cầu Thê Húc màu đỏ mang ý nghĩa giữ lại ánh sáng đẹp của bầu trời dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, Tháp Bút khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), Đài Nghiên, đình Trấn Ba, tháp Hòa Phong…

Địa điểm: Phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ. Giá vé: 10.000 VND/lượt, miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi.

5. Lăng Bác – Chùa Một Cột

Lăng BácQuảng trường Ba Đình và lăng Bác đã trở thành không gian thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Ngay trước Lăng là quảng trường Ba Đình được ví như trái tim của Hà Nội, tại đây đã diễn ra những sự kiện trọng đại của thủ đô và của cả nước, nơi Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.. Viếng Lăng xong bạn sẽ được theo đoàn đi thăm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, vẫn còn rất nhiều kỷ vật của Bác lúc sinh thời. Chùa Một Cột ngay gần Lăng Bác, bạn có thể đi bộ đến tham quan công trình kiến trúc độc đáo này.

Giờ mở cửa: Lăng Bác mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Từ tháng 4 đếng tháng 10, mở cửa từ 7h30 – 10h30; Từ tháng 11 đếng tháng 3 mở cửa từ 8h00 đến 11h00 giờ; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11. Hiện nay phí vào cửa là miễn phí và khách viếng thăm phải tuân theo những yêu cầu như ăn mặc chỉnh tề, không đem máy ảnh, giữ trật tự trong Lăng. Địa điểm: Quảng trường Ba Đình, đường Hùng Vương, quận Ba Đình.

6. Hoàng thành Thăng Long

hoang-thanh-Thanh-longHoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào ngày 01/08/2012 trong thời gian chuẩn bị diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nếu muốn tìm hiểu sâu về khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bạn có thể thuê hướng dẫn viên tại đó, tuy không có giá quy định nhưng thường là khoảng 100.000 – 200.000 VND.

Địa điểm: số 18 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Nếu ở phố Cổ, bạn thì có thể tìm xe bus chuyến xe số 22, chuyến xe này sẽ dừng ở điểm đỗ trước cửa Hoàng Thành. Thời gian tham quan khoảng 1h45 phút, không mất vé tham quan.

7. Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng dân tộc học Hà NộiĐến đây du khách được chào đón để tham quan, nghiên cứu về dân tộc học từ những sự kiện tôn giáo tới các nghi lễ tượng trưng của 54 dân tộc Việt Nam. Bảo tàng hiện có 3 khu vực chính: Một khu bao gồm nhà trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện… Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời và khu thứ 3 nhằm để giới thiệu văn hóa các dân tộc nước ngoài, chủ yếu là các dân tộc ở Đông Nam Á.

Vé vào cửa: Người lớn: 25.000VND, dưới 16 tuổi: 3.000VND. Hướng dẫn tham quan: Tiếng Việt 30.000VND. Giờ mở cửa: 08h30 – 17h30 giờ tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2 và Tết nguyên đán. Địa điểm: đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, cách trung tâm Hà Nội chừng 8 km, ĐT: 04 3756 2193.

8. Đền Quán Thánh

Đền Quán ThánhĐây là một trong Thăng Long tứ trấn và Thăng Long tứ quán xưa. Trong đền có bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1667, cao 3,69 m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại ViệtNam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỷ. Đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới… được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Địa điểm: Cuối đường Thanh Niên, Q. Ba Đình, gần hồ Tây và cửa Bắc thành Hà Nội. Mở cửa từ các ngày trong tuần. Giá vé: 10.000 VND/lượt

9. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

bao-tang-Phu-nu-Viet-Nam

Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập vào năm 1987. Bảo tàng là trung tâm truyền thông kiến thức về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam cho công chúng. Đây cũng là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới vì mục tiêu bình đẳng, hoà bình và phát triển.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nằm cách hồ Hoàn Kiếm 500m, vừa được mở cửa trở lại sau 4 năm chỉnh l‎ý. Với ba chủ đề trưng bày Phụ nữ trong Gia đình; Phụ nữ trong Lịch sử; Thời trang nữ thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ trong chiến tranh. Bảo tàng còn có bộ sưu tập tranh cổ động rất hấp dẫn… với hệ thống thông tin 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Bên cạnh đó, Bảo tàng thường xuyên có các trưng bày chuyên đề về cuộc sống đương đại như buôn bán phụ nữ, gánh hàng rong, phụ nữ đơn thân, di cư…

Năm 2012, Bảo tàng đã được website du lịch TripAdvisor lớn nhất thế giới bình chọn là điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Nội. Năm 2013, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được bình chọn là 1 trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.

Giờ mở cửa:  8h00 – 17h00 tất cả các ngày trong tuần. Địa chỉ: 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

10. Nhà cổ 87 Mã Mây

Nhà cổ 87 Mã Mây

Nhà cổ 87 Mã Mây

Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Với kiến trúc kiểu nhà truyền thống: giữa các lớp nhà có sân trong để lấy gió và ánh sáng, tầng một (phần tiếp giáp mặt phố) dùng để bán hàng, phía trong để ở và sản xuất, phần trong cùng là bếp và khu vệ sinh. Tầng hai, phòng ngoài để thờ và tiếp khách, phòng trong là nơi ở. Ngôi nhà còn được giữ lại khá đầy đủ các chi tiết kiến trúc cổ Hà Nội. Đây là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý nhân dân phố cổ cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

Giờ mở cửa: 8h00 – 20h00, 19h00 mỗi ngày có biểu diễn nghệ thuật dân gian Đào Xá, ca trù trong 60 phút. Giá vé tham quan: 5.000 – 10.000 VND/lượt.

Đánh giá