27-01-2024 13:36

Những địa danh xuất hiện trong hộ chiếu mới Việt Nam

Những địa danh xuất hiện trong hộ chiếu mới Việt Nam

Để quảng bá hình ảnh Việt Nam một cách sâu rộng hơn, cuốn hộ chiếu cũ đã được thay đổi mẫu mới. Theo đó, các danh thắng Khuê Văn Các, Vịnh Hạ Long, Tràng An… được in rất đẹp trong mỗi trang hộ chiếu.

Những địa danh xuất hiện trong hộ chiếu mới Việt Nam

Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp ở miền bắc Việt Nam, được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994. Vịnh bao gồm 1600 hòn đảo đá vôi nằm rải rác ở khu vực có diện tích 1500 km vuông. Những hòn đảo kỳ vĩ và sống động tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp tráng lệ đáng tự hào.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: expatexplore.com

Vịnh Hạ Long. Ảnh: expatexplore

Khuê Văn Các được chọn làm công trình biểu trưng chính thức của thủ đô Hà Nội từ năm 1997. Đây là công trình mang hình tượng sao Khuê – ngôi sao tượng trưng cho văn hóa, văn học của dân tộc Việt Nam. Khuê Văn Các nằm trong tổng thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các, Liên Hoa đài chùa Diên Hựu và tháp Rùa hồ Gươm là những công trình kiến trúc cổ được coi như cụm di tích tiêu biểu của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Khuê Văn Các trong hội họa. Ảnh: Pinterest.

Khuê Văn Các trong hội họa. Ảnh: Pinterest

Phố cổ Hội An từng là thương cảng sầm uất trong quá khứ, đến nay phố cổ vẫn giữ được những tinh hoa từ hàng trăm năm trước. Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Mặc dù thời gian luôn chuyển dời, quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành địa danh độc đáo.

Phố cổ Hội An. Ảnh: backofthebiketours.com

Phố cổ Hội An. Ảnh: backofthebiketours

Cổng Tò Vò là thắng cảnh nham thạch ở thôn Tây, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có niên đại khoảng 3 – 4.00 năm tuổi, là điểm đến của hàng triệu du khách khi đến đảo Lý Sơn. Cổng cao khoảng 2,5 m, hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Đứng ở cổng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp của khu làng chài ở phía bắc, núi Giếng Tiên ở phía nam.

Cổng Tò Vò. Ảnh: Văn hóa du lịch Lý Sơn.

Cổng Tò Vò. Ảnh: Văn hóa du lịch Lý Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Thánh địa được xây dựng từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII, được phát hiện năm 1885 và được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Đây là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, địa điểm du lịch linh thiêng, hấp dẫn bậc nhất của Quảng Nam.

Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: VOV.

Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: VOV

Đỉnh núi Fansipan cao 3,143m, được mệnh danh “Nóc nhà Đông Dương”. Đỉnh Fansipan có quang cảnh thiên nhiên hết sức hùng vĩ và phong cảnh trữ tình với mây, gió và sương mù luôn hiện hữu nơi đây. Du khách có thể tiếp cận đỉnh núi bằng cáp treo hoặc trekking thử thách chinh phục ngọn núi bằng chính sức lực của đôi chân.

Đỉnh Fansipan. Ảnh: vietnamimmigration.com

Đỉnh Fansipan. Ảnh: vietnamimmigration

Quần thể Cố đô Huế bao gồm hệ thống các di tích liên quan đến triều Nguyễn, phân bố ở thành phố Huế và các huyện khác. Kiến trúc Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc của kiến trúc truyền thống Việt, triết lý phương Đông, kiến trúc quân sự phương Tây và các yếu tố tự nhiên. Một số di tích tiêu biểu như: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành, hệ thống lăng tẩm, cung An Định, Trai cung, bến thuyền Cung đình, Trấn Bình đài, Trấn Hải thành, điện Hòn Chén, nhà bà Từ Cung, Văn miếu…

Quần thể Cố đô Huế. Ảnh: VnExpress

Quần thể Cố đô Huế. Ảnh: VnExpress

Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng, được xây dựng trên núi Hùng, thuộc đất Phong Châu, vốn là đất kế đô của nhà nước Văn Lang. Toàn bộ di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng có địa thế cao ngoạn mục, hùng vĩ, đầy khí thiêng sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng. Ảnh: Báo Lao động.

Đền Hùng. Ảnh: Báo Lao động

Bến cảng Nhà Rồng là nơi tiễn Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, từ đó đã làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, với vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Toà nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” nên thường được gọi là “Nhà Rồng”, do vậy bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng hiện nay có Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Bác Hồ trong cả nước.

Bến cảng Nhà Rồng ngày nay. Ảnh: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bến cảng Nhà Rồng ngày nay. Ảnh: Báo điện tử – Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo iVIVU.com

Đánh giá