Chỉ họp một lần trong năm, thường tập trung vào những ngày đầu năm mới, những khu chợ này mọc lên tự phát nhưng lại tồn tại rất lâu trong cuộc sống người Việt.
Họp từ nửa đêm mùng 7 đến rạng ngày mùng 8 Tết hàng năm, chợ Viềng ở Nam Định không chỉ đông khách bởi quan niệm mua may, bán rủi, mà còn vì chợ còn nằm cạnh chùa, phủ nổi tiếng của đất thành Nam.
Được xây dựng trong khu vực địa lý có nhiều dấu vết văn hóa của cư dân Việt cổ, và nơi đây còn tồn tại những tín ngưỡng dân gian thuần Việt, chợ Viềng xưa chỉ bán nông cụ, đặc biệt nổi tiếng với dao, rìu, lưỡi cày…, nhưng nay sản phẩm bày bán đã đa dạng hơn, và cả người bán, người mua đều không bao giờ mặc cả.
Đã thành lệ, vào khoảng 10 ngày cuối cùng của năm, phiên chợ đồ cổ tại ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược… ở phố cổ Hà Nội lại mở cửa để đón khách.
Đây là điểm hẹn của những người mê đồ cổ, bởi những món hàng ở đây chủ yếu là đồ cổ, giả cổ, đồ đông có niên đại hàng chục đến vài trăm năm.
Phiên chợ Thiều được tổ chức tại làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Các mặt hàng bán ở chợ chủ yếu đều là những sản vật vùng quê.
Trước đây, chợ Thiều được họp ở ngay sát bờ sông để thuận tiện giao thông đường thủy, với kiểu buôn bán trên bến dưới thuyền. Hiện nay, làng thống nhất họp vào trong sân chùa theo nguyện vọng người dân, nên có cảnh trên là chùa dưới là chợ lưu giữ nét hồn quê.Trước đây, chợ Thiều được họp ở ngay sát bờ sông để thuận tiện giao thông đường thủy, với kiểu buôn bán trên bến dưới thuyền. Hiện nay, làng thống nhất họp vào trong sân chùa theo nguyện vọng người dân, nên có cảnh trên là chùa dưới là chợ lưu giữ nét hồn quê.
Chợ Âm Dương nằm ở địa phận Làng Ó (nay là làng Xuân Ổ), xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ra đời từ những năm 40 sau Công Nguyên. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết.
Chợ họp vào ban đêm là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. Người đi chợ thường mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ. Trước đây, chợ không có lều, quán, không sử dụng đèn nến. Người đi chợ mang một con gà đen đã được chăm sóc cẩn thận làm vật tế Thành Hoàng làng. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Tương truyền rằng, có người sớm hôm sau xem trong túi đựng tiền toàn là vỏ hến, lá đa, thậm chí có cả mẩu yếm sồi, nhưng mọi người vẫn rất vui vẻ, vì coi đó là dịp làm điều phúc, điều thiện với người đã chết.
Chợ Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) có từ gần 100 năm nay. Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Lúc đầu chợ gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa, mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây tìm đến mối tình xưa mà không thể đến được với nhau. Tuy nhiên, ngày nay, chợ tình Khau Vai bị thương mại hóa, trở thành nơi bán đủ loại hàng hóa.
Theo Zing